Chậm nói đơn thuần và chậm nói do rối loạn phát triển
Hiện nay tỷ lệ trẻ chậm nói tăng cao vì vậy có rất nhiều các bậc phụ huynh rất lo lắng khi thấy con mình chậm nói. Vậy như thế nào là chậm nói?
Trẻ đang chậm nói đơn thuần hay trẻ chậm nói do rối loạn phát triển ? Những câu hỏi ấy chắc hẳn đã hơn một lần vang lên trong đầu những phụ huynh có con chậm nói. Hiểu những nỗi lòng băn khoăn ấy, bài viết sau đây sẽ chia sẻ đến quý phụ huynh những thông tin về cách thức phân biệt giữa chậm nói đơn thuần và chậm nói do rối loạn phát triển.
Những vấn đề chung về chậm nói
Trẻ chậm nói là những trẻ có mức độ phát triển ngôn ngữ thấp hơn so với độ tuổi thực. Tuổi thực chính là là tuổi được tính theo ngày tháng năm sinh của trẻ. Tuổi phát triển được xác định theo mức độ phát triển theo các mốc lứa tuổi.
Ví dụ: Trẻ ở giai đoạn 24-30 tháng
- Những yêu cầu về ngôn ngữ: Hiểu được các đại từ nhân xưng; Hiểu khái niệm số lượng: nhiều – ít; Hiểu các hoạt động trong tranh như: ăn, uống, đang chơi; Sử dụng các câu đơn giản: ba đâu rồi? cái này của con; Nói tên được các đồ vật trong tranh.
- Nếu trẻ ở độ tuổi này mà chưa có lời nói hoặc mới nói từ đơn,… được coi là chậm nói.
Phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói do rối loạn phát triển
- Trẻ chậm nói đơn thuần là trẻ có mốc phát triển ngôn ngữ thấp hơn so với tuổi.
- Trẻ chậm nói do rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, có mốc phát triển ngôn ngữ thấp hơn so với tuổi, cùng với đó là có những suy kém về tương tác xã hội, có hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại, sở thích hạn hẹp.
- Từ vựng
- Trẻ chậm nói đơn thuần: Lượng từ vựng ít hơn so với tuổi, nhưng khá đa dạng, và thường gắn liền với những chủ đề xung quanh cuộc sống của trẻ như người thân, sở thích của trẻ như các món ăn, đồ uống, đồ chơi, hoạt động thường ngày như ăn, đi chơi, đi học… Trẻ có vốn từ, có khả năng hiểu và trả lời được các câu hỏi đơn giản bằng lời nói và cử chỉ như khi được hỏi: “con ăn cơm không?” trẻ có thể biết gật đầu hay lắc đầu để hồi đáp.
- Chậm nói do rối loạn phát triển: Lượng từ vựng của trẻ chủ yếu tập trung vào các chủ để trẻ yêu thích như hình dạng, số, chữ, màu sắc… hoặc những từ vựng theo kiểu chụp hình gọi tên theo những gì chúng ta dạy trẻ, hoặc trẻ chụp hình được như tên gọi của các đồ vật, sự vật. Trẻ cũng gặp khó khăn khi hiểu và trả lời các câu hỏi đơn giản.
2. Ngữ pháp
- Chậm nói đơn thuần: Trẻ gặp khó khăn khi tạo câu, sử dụng được cấu trúc ngữ pháp, những cũng bắt chước được các câu từ của người khác. Trẻ có vốn từ hạn hẹp, ít sử dụng câu ghép, câu phức và các thành phần ngữ pháp khác.
- Chậm nói do rối loạn phát triển: Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tạo câu và sử dụng câu mới, tạo câu có chủ vị, mà thường gọi tên hình ảnh trẻ thấy. Ví dụ hỏi trẻ:”con ăn cơm không?”, khi đói bụng thay vì nói “ăn cơm”, “con ăn cơm”, thì trẻ sẽ nói: “con ăn cơm không?”.
3. Cử chỉ, nét mặt
- Chậm nói đơn thuần: Ở giai đoạn sớm (khoảng 12 tháng) trẻ cũng gặp nhiều khó khăn khi sử dụng ngón trỏ để chỉ, gật đầu, lắc đầu… nhưng khi lớn hơn, trẻ bắt đầu tương tác nhiều hơn, sử dụng những cử chỉ này nhiều hơn, và có thể dùng nó để thay thế cho lời nói để thể hiện nhu cầu, trao đổi và giao tiếp với người khác. Trẻ chưa nói được nhưng mắt vẫn sẽ tập trung khi nghe người khác nói chuyện.
Trẻ biết méc, biết khoe, biết giận hờn, thể hiện được cảm xúc của mình và nhận diện được cảm xúc của người đối diện.
4. Chậm nói do rối loạn phát triển:
- Gặp khó khăn về sử dụng cử chỉ, kết hợp thao tác và lời nói như xòe tay nói “xin”, khoanh tay cúi đầu nói “ạ”.
- Trẻ hạn chế giao tiếp mắt với người khác.
- Trẻ hạn chế sử dụng ngón trỏ thay vào đó là cầm tay, đẩy ba mẹ về phía đồ vật hoặc có những hành vi tự làm đau bản thân như ăn vạ, đập đầu.
- Trẻ ít có nụ cười đáp ứng khi được khen ngợi.
- Trẻ cũng ít biết khoe khi làm được những điều giỏi, ít mách khi bị đau.
5. Những vấn đề đi kèm
Chậm nói đơn thuần: Trẻ có tương tác xã hội tương đối phù hợp với tuổi, vẫn có giao tiếp mắt. Trừ lúc trẻ quá mải chơi hay tập trung làm việc gì đó thì khi gọi tên trẻ vẫn sẽ quay về phía người gọi.
Trẻ có sở thích tương đối đa dạng, biết tham gia vào các trò chơi chung với mọi người như giả vờ như nấu ăn, bán hàng, các trò chơi mang tính quy luật.
Trẻ có khả năng bắt chước những cử chỉ, ngôn ngữ lời nói ở mức độ đơn giản.
6. Chậm nói do rối loạn phát triển:
- Suy giảm tương tác xã hội: trẻ ít có nhu cầu tương tác, chơi cùng người khác, quan tâm chú ý tới đồ vật nhiều hơn, gặp khó khăn tham gia các trò chơi quy luật nhóm.
- Trẻ thường ít phản ứng lại khi nghe có người gọi tên mình.
- Hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại: trẻ có các hành vi như khi chơi trẻ sẽ xếp đồ vật thành hàng dài, chơi bộ phận của đồ vật như xoay bánh xe…
- Sở thích hạn hẹp: trẻ có sở thích hạn hẹp với một chủ để nhất định như màu sắc, chữ số.
Nguyên nhân
Chậm nói đơn thuần: Chưa tìm rõ được nguyên nhân nhưng có một số yếu tố nguy cơ như:
- Thiếu hụt những tương tác, môi trường giao tiếp hạn hẹp, ít người trò chuyện với trẻ.
- Trẻ được đáp ứng quá nhanh và quá đủ, khiến trẻ giảm dần những nhu cầu giao tiếp.
Chậm nói do rối loạn phát triển: Nguyên nhân chưa được xác định, có một số yếu tố nguy cơ như:
- Trẻ sinh non, sinh nhẹ ký.
- Ba mẹ sinh con khi lớn tuổi.
- Các biến chứng khi sinh.
- Di truyền
Can thiệp và hỗ trợ
Chậm nói đơn thuần: Nếu được can thiệp hỗ trợ trẻ có thể phát triển phục hồi tương ứng với độ tuổi
Chậm nói do rối loạn phát triển: Trẻ có những khó khăn kéo dài: dù được can thiệp hỗ trợ nhưng trẻ vẫn gặp nhiều khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ – giao tiếp.
Một số chiến lược hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói.
Một số chiến lược gợi ý để hỗ trợ cho trẻ chậm nói:
- Mở rộng vốn từ vựng: hãy bắt đầu bằng chọn các chủ đề từ vựng gần gũi với trẻ như bản thân, người thân, đồ dùng cá nhân hoặc đồ dùng gia đình… hoặc sở thích, sở trường của trẻ, hoạt động thường ngày của trẻ.
- Tạo cơ hội giao tiếp: có thể mớm lời, lặp lại lời nói, nhấn nhá vào lời nói để tăng thêm các cơ hội giao tiếp với trẻ.
- Khen ngợi: tăng cười khen ngợi những nỗ lực của trẻ.
- Lặp lại từ đúng: nếu trẻ nói chưa đúng hãy nhắc lại từ đúng để trẻ nghe và lặp lại, tránh lặp lại những từ chưa đúng.
Chậm nói sẽ có nhiều ảnh hưởng về sự phát triển chung của trẻ, càng phát hiện sớm, can thiệp hỗ trợ sớm và đúng cách sẽ càng có tỉ lệ phục hồi càng cao. Và điều quan trọng đầu tiên của quá trình này là trẻ cần được thăm khám để xác định đúng được vấn đề và mức độ mà trẻ đang gặp phải.