Cùng con vượt qua trầm cảm tuổi teen
Tuổi dậy thì luôn là giai đoạn đầy thử thách với con trẻ. Áp lực từ việc học hành, bạn bè và những thay đổi tâm sinh lý có thể khiến tâm lý của trẻ thay đổi thất thường và dẫn đến hội chứng trầm cảm tuổi teen nếu không được quan tâm kịp thời.
Nếu là bậc phụ huynh của trẻ vị thành niên, chắc hẳn bạn ít nhiều đã gặp cảnh trẻ thờ ơ hoặc im lặng khi ba mẹ cố gắng bắt chuyện; hay việc bọn trẻ có thể ngủ cả ngày nếu không ai gọi dậy; thậm chí chúng còn yêu thích sử dụng điện thoại và máy tính hơn so với việc giao tiếp cùng các thành viên trong gia đình.
Các hành vi trên là những biểu hiện thường gặp khi trẻ bước vào tuổi mới lớn, nhưng đồng thời chúng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về căn bệnh trầm cảm tuổi teen. Những thay đổi đột ngột trong tâm trạng ở độ tuổi này khiến nhiều ba mẹ phải tự hỏi: “Liệu bọn trẻ đang phải vật lộn với các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần hay chỉ đơn giản là một thanh thiếu niên đang trong giai đoạn hoàn thiện bản thân”?
ác triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên thường bao gồm:
- Cáu kỉnh bất thường.
- Thường xuyên bộc phát cơn giận.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng và thờ ơ với mọi việc.
- Hay đau nhức hoặc gặp các vấn đề về dạ dày.
- Ít quan tâm đến các hoạt động thường ngày.
- Ít quan tâm hơn đến việc dành thời gian cho bạn bè hoặc gia đình.
- Bị điểm kém hoặc không quan tâm đến việc học.
- Có thái độ tiêu cực hoặc tự phê phán bản thân.
- Nói về cái chết hoặc tự tử.
Nếu ba mẹ nhận thấy những dấu hiệu này vào hầu hết các ngày trong hơn một hoặc hai tuần, thì có thể con đang bị trầm cảm. Vậy làm thế nào để có thể giúp con vượt qua được những bất ổn tâm lý trong giai đoạn này và hướng tới việc trưởng thành khỏe mạnh?
Ba mẹ hãy đừng ngần ngại đặt câu hỏi
Ba mẹ có thể bắt đầu bằng cách tìm một khoảng thời gian riêng tư để trò chuyện cùng con. Nếu được, hãy sắp xếp sao cho chỉ một trong hai người tâm sự với con, bởi điều này sẽ giúp con cảm thấy thoải mái và tạm gạt đi cảm giác đối đầu với ba mẹ.
Sau đó, bạn nên chia sẻ những hành vi của con đang khiến bạn cảm thấy lo lắng, chẳng hạn:
- “Ba/mẹ đang thắc mắc tại sao gần đây con không dành nhiều thời gian cho bạn bè của mình”.
- “Dạo này ba mẹ thấy con ngủ nhiều hơn bình thường, con có mệt ở đâu không?”.
- “Ba/mẹ thấy rằng dạo gần đây con rất hay nổi giận”.
- “Có phải con đang gặp rắc rối với các bài tập ở trường hay không?”
- “Điều gì đã xảy ra khiến con thay đổi suy nghĩ về bạn bè của mình?”
- “Con có thể chia sẻ với ba/mẹ điều gì khiến con đang bận tâm hay phiền lòng không?”
- “Có chuyện gì đang khiến con cảm thấy không ổn chăng?”
- “Liệu con có từng nghĩ về cái chết bao giờ chưa?”
Hỏi về việc tự tử hay cái chết sẽ khiến ai đó nghĩ rằng bạn đang làm quá vấn đề. Nhưng thực chất, việc thẳng thắn hỏi con về ý định tự tử sẽ giúp bạn nhận thức được những rắc rối mà con đang gặp phải, từ đó can thiệp vấn đề kịp lúc.
Đối mặt với những bất ổn của con, việc ba mẹ cảm thấy lo lắng hay sợ hãi và muốn đưa con đến bác sĩ tâm lý ngay lập tức là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc để con chủ động chia sẻ trước sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng thể và rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra.
Nếu con không cởi mở trong lần đầu tiên chia sẻ, ba mẹ cũng đừng ngại đặt câu hỏi trong những lần sau. Trong trường hợp con có vẻ miễn cưỡng khi nói về bệnh trầm cảm, hãy động viên con rằng đó là tình trạng sức khỏe tâm thần chung, không phải là sự lựa chọn, thất bại cá nhân hoặc bất cứ điều gì con có thể tự kiểm soát.
Hãy sẵn sàng lắng nghe
Khi con bắt đầu mở lòng, bạn hãy dùng một thái độ tích cực để lắng nghe con. Hãy cố gắng kết thúc việc bạn đang làm ngay khi có thể để trò chuyện cùng con và đừng để khoảnh khắc này trôi qua nhé.
Trầm cảm đôi khi khiến mọi người cảm thấy như thể họ đang tạo gánh nặng cho những người thân yêu. Thế nên, chỉ cần một câu nói “Chờ ba/ mẹ 5 phút” cũng đủ khiến con cho rằng đây là một lời từ chối và sẽ ngần ngại chia sẻ với bạn hơn.
Do vậy, nếu bạn không thể dừng việc mình đang làm, hãy dành một chút thời gian để giải thích với con. “Ba/mẹ luôn dành toàn bộ sự quan tâm cho con, nhưng ba/mẹ cần hoàn thành việc này trước. Ba/mẹ sẽ xong việc trong khoảng 45 phút nữa, sau đó ba/mẹ sẽ dành toàn bộ thời gian để lắng nghe con nói nhé”.
Đến lúc nói chuyện cùng con, bạn đừng quên những điều sau:
- Dành tất cả sự chú ý của bạn vào những gì con đang nói.
- Tránh ngắt lời, kết thúc câu hoặc xen vào những lúc con đang ngập ngừng. Hãy cứ để con tự nhiên chia sẻ, ngay cả khi con phải mất một lúc để nói ra.
- Tập trung vào lời nói của con, không phải vào những gì bạn muốn nói với con.
- Tóm tắt những gì con đã nói để đảm bảo bạn đang hiểu đúng vấn đề, chẳng hạn “Có vẻ như con đang cảm thấy buồn chán, thậm chí là tuyệt vọng về cuộc sống và con không thể tìm thấy năng lượng để làm bất cứ điều gì. Ba/mẹ hiểu có đúng không?”
- Nếu bạn không chắc về những suy nghĩ của con, hãy mạnh dạn hỏi lại để hiểu con hơn nữa.
Bạn có thể không hiểu chính xác cảm giác của con, nhưng đừng cố gắng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng hay “bình thường hóa” vấn đề con đang gặp phải bằng những câu nói như:
- “Ba/ mẹ không nghĩ đây là vấn đề lớn khiến con phải bận tâm như vậy”.
- “Đôi khi ai cũng cảm thấy như con thôi”.
- “Ba/mẹ vẫn luôn “ẩm ương” khi còn là một thiếu niên, nhưng ba/mẹ đã lớn lên mà vẫn ổn đấy thôi”.
Thay vào đó, bạn hãy chia sẻ sự cảm thông với con bằng những lời động viên:
- “Ba/mẹ có thể hiểu con cảm thấy bối rối thế nào trước những suy nghĩ đó”.
- “Chắc trong lòng con đang rối bời, nhưng con không đơn độc. Ba/mẹ luôn ở đây để hỗ trợ con”.
- “Con à, cảm giác buồn bã lúc nào cũng khiến con cảm thấy kiệt sức phải không? Nói ra những cảm giác này có thể sẽ giúp con nhẹ nhõm hơn đấy. Ba/mẹ lúc nào cũng sẵn sàng để lắng nghe”.
Tìm kiếm sự hỗ trợ cho con
Mặc dù lòng trắc ẩn, sự cảm thông hay những lời khuyên của ba mẹ có thể tạo ra những thay đổi lớn cho con, nhưng việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý thường là cách tốt nhất để cải thiện triệu chứng.
Nếu ban đầu con phản đối giải pháp trị liệu tâm lý, bạn hãy thử nhờ đến bác sĩ nhi khoa của gia đình, giáo viên mà con yêu thích hay một người lớn đáng tin cậy khác động viên để giúp con chấp nhận việc trị liệu dễ dàng hơn.
Bạn nên giải thích rõ hơn về quá trình điều trị để con cảm thấy yên tâm. Nếu con có vẻ lo lắng về việc phải nhập viện hoặc buộc phải dùng thuốc, hãy chia sẻ rằng bác sĩ trị liệu sẽ lắng nghe suy nghĩ của con để đưa ra những phương pháp phù hợp mà không có bất kỳ sự phán xét nào, từ đó giúp con thay đổi tâm trạng theo chiều hướng tốt hơn.
Bạn cũng có thể giải thích rằng bên cạnh việc dùng thuốc để giảm các triệu chứng nghiêm trọng thì con cũng có thể lựa chọn thêm các phương pháp điều trị khác.
Cắt cơn khủng khoảng
Khuyến khích con giữ một tinh thần tích cực và tham gia làm việc nhà cũng là một cách để hỗ trợ con vượt qua trầm cảm. Tuy nhiên, ba mẹ hãy hiểu rằng có những lúc con không muốn làm gì nhiều, bởi trầm cảm là một căn bệnh. Nó có thể làm cạn kiệt năng lượng và tinh thần, khiến con không còn đủ động lực để làm việc như bình thường.
Con có thể:
- Cảm thấy khó tập trung hơn bình thường.
- Di chuyển chậm hơn bình thường.
- Có vẻ thất vọng và tự phê bình nặng nề khi bản thân mắc lỗi.
Lúc này, điều ba mẹ nên làm là khuyến khích con làm những việc nằm trong khả năng của mình và đưa ra những lời nhắc nhở nhẹ nhàng thay vì chỉ trích.
Ba mẹ nên tránh làm tăng thêm áp lực về bài vở ở trường cho con bằng cách nói những câu như “Sắp hết hạn nộp hồ sơ đại học rồi đấy” hoặc “Con không cần phải học để thi cuối cấp à?”. Điều này sẽ chỉ khiến con cảm thấy nặng nề hơn và tự trách bản thân về những vấn đề mà con đang gặp phải.
Thay vào đó, bạn hãy chủ động giúp đỡ con làm bài tập hoặc các nhiệm vụ được giao về nhà. Chẳng hạn, nếu con có một bài tập nghiên cứu hay thuyết trình, bạn có thể cùng con:
- Suy nghĩ về các chủ đề có thể khai thác.
- Thảo luận về những ý chính cần đưa vào dàn bài.
- Cùng con đến thư viện hoặc lên mạng để tra cứu tài liệu.
Thay đổi từ gia đình
Thay đổi lối sống có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho các triệu chứng trầm cảm. Những thay đổi này có thể bao gồm:
- Hoạt động thể chất nhiều hơn.
- Xây dựng bữa ăn dinh dưỡng hơn.
- Dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời nhiều hơn.
- Cải thiện giấc ngủ tốt hơn.
- Xây dựng một thói quen thư giãn mỗi tối.
Việc thực hiện những thói quen lành mạnh này có thể cải thiện thể chất và tâm trạng cho tất cả các thành viên trong gia đình. Quan trọng hơn, những thói quen mới này sẽ giúp thắt chặt sợi dây kết nối giữa con cái và ba mẹ, từ đó giúp con cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.
Một số thói quen bạn có thể bắt đầu thực hiện:
- Đi dạo cùng gia đình sau bữa tối.
- Quy định một hoặc hai tiếng trước giờ đi ngủ là thời gian không sử dụng các thiết bị điện tử. Thay vào đó, ba mẹ và con hãy chơi boardgame, giải câu đố hoặc đọc sách cùng nhau.
- Cùng các thành viên nấu một bữa ăn gia đình bất cứ khi nào có thể. Ba mẹ hãy cho con tham gia vào việc lập kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn, thậm chí có thể “thách” con đưa ra một công thức nấu ăn mới.
- Đảm bảo con được ngủ đủ thời gian cần thiết. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, các con cần được ngủ 8 đến 10 tiếng mỗi tối.
Khuyến khích con phát triển các mối quan hệ xã hội
Duy trì một tình bạn tốt đẹp có thể giúp con cảm thấy được kết nối với xã hội ngay cả khi chúng đang gặp khó khăn. Do vậy, ba mẹ nên cân nhắc đến việc tạm thời nới lỏng các quy tắc thông thường trong việc giao tiếp xã hội của con. Ví dụ: bạn có thể tạm ngưng cấm đoán con ngủ qua đêm hoặc đi chơi muộn với bạn bè vào buổi tối cho đến khi các triệu chứng trầm cảm của con cải thiện.
Ba mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia vào một hoạt động hoặc bắt đầu một sở thích mới, chẳng hạn như học guitar, đến một lớp học nghệ thuật hoặc chơi một môn thể thao. Làm thiện nguyện hay thể hiện các hành động tử tế khác như giúp đỡ hàng xóm cũng là một cách hay để giúp con giảm bớt các cảm xúc tiêu cực.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên tránh những điều sau:
Phê bình và trừng phạt
Trong những trường hợp bình thường, ba mẹ có thể phản ứng với những bài kiểm tra điểm thấp hay việc con chưa hoàn tất bài tập về nhà bằng cách hạn chế cho con xem tivi hoặc tịch thu điện thoại của con.
Trầm cảm không phải là lý do biện hộ cho những hành vi sai trái của con, nhưng điều quan trọng là phải tách biệt tác động của trầm cảm với hành động sai trái thực tế. Việc tịch thu điện thoại hoặc cấm đoán con giao tiếp với bạn bè lúc này có thể khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.
Thay vì vậy, ba mẹ hãy cho con biết rằng bạn hiểu con đang gặp khó khăn và động viên con tiếp tục cố gắng. Bạn hãy thử đề xuất con mời một người bạn học cùng làm bài tập, chơi trò chơi hoặc ra ngoài với nhau, thay vì chỉ giao tiếp qua màn hình điện thoại.
Ba mẹ cũng có thể cùng con tìm ra giải pháp. Chẳng hạn bạn thủ thỉ cùng con: “Ba/mẹ biết con không muốn làm việc nhà khi tâm trạng con đang tồi tệ như thế này. Hay là con thử nghĩ xem có việc gì mà con có thể làm được hay không?”
Đặc biệt, hãy để con cảm nhận được rằng bạn yêu con và luôn ủng hộ con dù có bất kể điều gì xảy ra.
Đánh giá các hành vi tự làm hại bản thân
Bạn có thể vô cùng đau khổ khi phát hiện ra con bạn đã bắt đầu tự làm mình bị thương theo những cách khác nhau. Nhưng điều này cũng không chắc chắn rằng con đang có ý định tự tử.
Bản năng đầu tiên của ba mẹ có thể là lục soát phòng và vứt đi những món đồ mà họ cho rằng con đang dùng để gây hại cho bản thân; kiểm tra cơ thể con hàng ngày hoặc luôn quan sát con. Nhưng những phản ứng này thường chỉ khiến con cảm thấy xấu hổ và trở nên xa cách hơn.
Để giải quyết, bạn hãy thử chia sẻ và bày tỏ sự đồng cảm hơn với con như: Hỏi con về cảm giác khi con tự làm tổn thương mình; hay để con biết bạn đang lo lắng cho sự an toàn của con như thế nào, và liệu con có sẵn lòng cùng bạn tìm ra những giải pháp để khắc phục tình trạng này hay không?
Cá nhân hóa mọi việc
Không phải lúc nào con cũng muốn nói về cảm xúc của mình hoặc chia sẻ những tiến bộ mà chúng đạt được trong quá trình điều trị. Do vậy, dù bạn muốn biết con đang trở nên tốt hơn hay không, nhưng việc thúc ép sẽ khiến con cảm thấy không thoải mái và khó mở lòng với bạn.
Thế nên điều quan trọng là bạn phải nắm rõ những tác dụng phụ con có thể gặp phải khi điều trị, hoặc những cảm giác sầu muộn của con có tái diễn hay không. Nếu không, hãy nhắc con rằng bạn luôn có mặt bất cứ khi nào con cảm thấy sẵn sàng trò chuyện và cho con không gian cũng như thời gian riêng tư để chia sẻ.
Khi nào con cần trợ giúp ngay lập tức?
Không phải ai bị trầm cảm cũng nghĩ đến chuyện tự tử. Nhiều người có ý định tự tử nhưng lại chưa bao giờ lên kế hoạch hoặc cố gắng làm điều này. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện con có những dấu hiệu sau, thì đã đến lúc bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia:
- Thường xuyên viết về cái chết.
- Có những hành vi gây hại cho sức khỏe như sử dụng chất kích thích hoặc rượu.
- Nói về cái chết hoặc mong muốn tìm một lối thoát khỏi những gì mà con đang chịu đựng.
- Trở nên thu mình hơn trước những người xung quanh.
- Tự cho rằng mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn nếu không có con bên cạnh.
- Cho đi những món đồ cá nhân của con.
Trong trường hợp con tâm sự rằng bản thân đang nghĩ đến việc tự tử, ba mẹ nên:
- Hỏi xem liệu con có bất kỳ kế hoạch nào để đối mặt với khủng hoảng tâm lý hay chưa và cùng con thực hiện kế hoạch đó.
- Kết nối con với bác sĩ trị liệu hoặc đưa con đến các phòng khám tâm lý để được hướng dẫn chi tiết hơn.
Tránh để con một mình khi con đang gặp khủng hoảng và đảm bảo rằng con không có bất kỳ vật dụng sát thương hoặc loại thuốc nguy hiểm nào bên cạnh.
Không ai khác ngoài bạn có thể hiểu con mình rõ nhất, thế nên chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được khi có điều gì đó bất ổn đang diễn ra. Nếu con thường xuyên buồn phiền hay cáu kỉnh, hãy trò chuyện với con về trầm cảm và cùng con tìm ra phương pháp khắc phục.
Trên hết, đừng quên nhấn mạnh rằng bạn luôn đứng về phía con, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ và giúp con vượt qua khó khăn. Bởi trầm cảm không phải là lỗi của bất kỳ ai, dù là bạn hay con bạn.