Dạy con “Học ăn”, “Học nói”
Thay vì dạy trẻ những kỹ năng phức tạp, trước hết, phụ huynh cần chú trọng tới việc giáo dục con cách giao tiếp, ứng xử văn hóa trong từng lời ăn, tiếng nói. Bởi, đây chính là nền tảng cho sự phát triển sau này của trẻ.
Tầm quan trọng của “lời ăn, tiếng nói”
“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là 4 cái học đầu tiên và quan trọng của cuộc đời con người. Đối với bố mẹ, những tiếng nói đầu đời của trẻ không chỉ là niềm hạnh phúc, mà còn mở ra một chặng đường phát triển phía trước của các bé.
Không chỉ là một cách nói văn vần, xuôi tai, dễ nhớ, dễ hiểu, lời khuyên dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở” của ông cha ta đã trở thành một trong những phương châm ứng xử hay nhất và có giá trị vượt thời gian. Ăn là bản năng tự nhiên để duy trì sự tồn tại của con người. Song, ăn gì, ăn như thế nào, làm sao để có văn hóa, mới thể hiện là người lịch thiệp trong ăn uống.
Ông cha ta từng có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hàm ý nhắc nhở mọi người cần thể hiện tư thế ăn uống đúng mực, phong cách tế nhị, trông trước nhìn sau, kính trên nhường dưới để không trở thành kẻ “phàm ăn tục uống”. Trong xã hội hiện nay, khi cuộc sống vật chất no đủ hơn, thì việc ăn uống sao cho lịch sự, văn minh vẫn là một nét đẹp làm nên văn hóa ứng xử của con người. Do đó, “học ăn” được coi là một trong những cách học làm người có văn hóa.
Trong khi đó, nói là sự phát ra âm thanh từ miệng để truyền đạt, thông báo, trao đổi nhằm giao tiếp, giao lưu giữa con người với nhau. Những lời hay, ý đẹp, nhã nhặn, tinh tế, nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh giao tiếp, làm vừa lòng người nghe, góp phần làm trong lành môi trường văn hóa giao tiếp thường được coi là “lời nói, gói vàng”.
Tuy nhiên, sự khác biệt là lời nói của mỗi người có văn hóa hay không. Do đó, trẻ không chỉ cần học nói để có thể giao tiếp, mà còn cần nói một cách văn minh, lịch sự. Bởi, nói năng là một phần thiết yếu làm nên văn hóa ứng xử.
Nhiều trẻ đơn giản trong suy nghĩ, lời nói và thậm chí là thờ ơ với bản thân cũng như những gì đang diễn ra xung quanh. Bởi vậy, các em ít quan tâm, thậm chí không bao giờ để ý tới việc “học ăn, học nói”. Đó cũng là lý do vì sao nhiều học sinh chỉ giỏi kiến thức trong sách vở, nhưng lại yếu và thiếu những kỹ năng cần thiết về ứng xử, giải quyết tình huống trong cuộc sống thường ngày.
“Muốn trở thành một học sinh tiến bộ toàn diện, không thể không bắt đầu “Học ăn, học nói” từ những điều nhỏ nhất. Tuy nhiên, để làm được việc này, phụ huynh phải chú ý trong việc giúp con rèn giũa kỹ năng”.
Trẻ thường hay mắc các lỗi về “ăn, nói”
trẻ em Việt Nam được tham gia bữa ăn gia đình ngay từ nhỏ, góp phần hình thành thói quen ăn uống đúng giờ và tôn trọng giờ giấc của người khác. Đồng thời, thói quen không chỉ tốt về mặt đạo đức, mà còn giúp bảo vệ sức khỏe tiêu hóa của trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều trẻ đã hình thành thói quen xấu như vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hay máy tính bảng. Cha mẹ cũng bận rộn nên xem đây là cách giúp trẻ dễ ăn, ngồi yên. Đây thật sự là sự nuông chiều nguy hại, góp phần hình thành thói quen ỷ lại vào cha mẹ khi ăn, thói quen bỏ bữa ăn và đặc biệt là thói quen thiếu tập trung khi làm một việc nào đó ở trẻ. Hành vi này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tiêu hóa của trẻ.
Trong khi đó, với trẻ từ 6 tuổi trở lên, nhiều phụ huynh quên nhắc nhở con về việc phân chia thức ăn sao cho hợp lý khi tham gia bữa ăn nhiều người. Trẻ vô tư gắp thức ăn ngon, ăn nhiều hơn nhu cầu, chỉ ăn món mình thích. Hành vi này được xem là biểu hiện thiếu giáo dục từ trong gia đình, dẫn đến phán xét tiêu cực của người khác đối với trẻ.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ không đồng đều các chất dinh dưỡng cũng dẫn đến các bệnh lý như béo phì, tiểu đường, mỡ trong máu… Như vậy, “học ăn” mang đến bài học giáo dục quan trọng đối với trẻ nhỏ về văn hóa ứng xử trên bàn ăn cũng như giá trị sức khỏe đằng sau khi có hoạt động ăn uống đúng cách.
“Bên cạnh “ăn”, “nói” cũng là hoạt động giao tiếp xã hội được xem trọng. Đối với trẻ nhỏ, lời nói là cách thức giao tiếp sơ khai và đơn giản nhất để tương tác hiệu quả với bạn cùng lứa hoặc với người lớn. Bởi, trẻ còn nhỏ tuổi, chưa hiểu được những hành động xã hội mang ý nghĩa giao tiếp khác (như ngôn ngữ cơ thể). Do đó, lời nói chính là kênh giao tiếp quyết định, phản ánh rõ nét tính cách của trẻ.
Một số lỗi về “ăn nói” thường gặp ở trẻ là tranh nói, nói nhiều, nói cướp lời người khác, nói dối, hoặc nói lan man. Đây đều là những lỗi giao tiếp đơn giản, có thể khắc phục nhanh và dứt điểm để tránh hệ quả trong nhân cách của trẻ về sau.
Mặt khác, thông qua hoạt động “nói”, cha mẹ cũng có thể biết được tình trạng sức khỏe hô hấp, thần kinh của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ từ 3 tuổi trở lên mà hoạt động nói chậm, thậm chí không nói, thì cha mẹ nên đưa con đến các trung tâm y tế, bệnh viện tai – mũi – họng để được theo dõi sức khỏe.
Trẻ nói khàn tiếng, hơi thở khò khè cũng là biểu hiện của một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Riêng trường hợp trẻ tắt tiếng, ho khan và đau họng mỗi trời lạnh, có thể là biểu hiện của triệu chứng viêm amidan. “Tóm lại, bên cạnh việc giáo dục giao tiếp cho trẻ, phụ huynh có thể theo dõi sức khỏe con mình thông qua hoạt động giao tiếp hằng ngày của trẻ.