Menu Đóng

Dị tật sứt môi – Hở hàm ếch ở trẻ

Sứt môi hở hàm ếch là những dị tật bẩm sinh xảy ra khi môi hoặc miệng của trẻ không hình thành đầy đủ trong thời gian mẹ mang thai. Nhưng nguyên nhân do đâu?

Dị tật sứt môi hở hàm ếch là gì?

Phần đầu của trẻ được hình thành sớm trong giai đoạn phát triển của thai nhi. Để cấu tạo nên khuôn mặt, mô cơ thể và những tế bào đặc biệt từ mỗi bên của phần đầu phát triển hướng về giữa khuôn mặt và liên kết lại với nhau. Việc kết nối của các mô hình thành nên đặc điểm khuôn mặt, như môi và miệng.

Sứt môi: Môi được hình thành giữa tuần thứ 4 và 7 của giai đoạn thai kỳ. Sứt môi xảy ra nếu các mô hình thành môi không liên kết hoàn toàn với nhau trước khi em bé được sinh ra. Kết quả dẫn tới có khe hở ở môi trên.

Khe hở ở môi trên có thể là một kẽ hở nhỏ hoặc có thể là một kẽ hở rộng chạy dài từ miệng tới mũi. Một đường sứt môi có thể ở một bên miệng hoặc bị sứt cả hai bên miệng, hoặc ngay chính giữa của môi (thường rất hiếm xảy ra). Trẻ em bị sứt môi cũng có thể bị kèm theo hở hàm ếch.

Hở hàm ếch: Phần vòm miệng được hình thành giữa tuần thứ 6 và 9 khi thai nhi phát triển. Hở hàm ếch xảy ra nếu mô cấu thành nên vòm miệng không liên kết hoàn toàn với nhau trong giai đoạn thai kỳ. Đối với một số trẻ, phần vòm miệng trước và sau đều mở ra. Một số trẻ thì chỉ một phần vòm miệng bị hở.

Nguyên nhân gây ra

Đôi khi dị tật này xảy ra như là một phần của hội chứng, nghĩa là những dị tật bẩm sinh trong các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Nguyên nhân chắc chắn gây ra dị tật sứt môi, hở hàm ếch vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân đã được chẩn đoán gồm:

  • Do di truyền: Tỉ lệ trẻ gặp dị tật này cao hơn trong những gia đình có người gặp trước đó. Bố hoặc mẹ có thể truyền gen góp phần tạo nên sự phát triển của dị tật sứt môi hoặc hở hàm ếch cho con.
  • Do môi trường sống của mẹ bị ô nhiễm hay nhiễm hóa chất độc hại: Chất độc màu da cam cũng khiến cho trẻ có nguy cơ mắc dị tật này khá cao.
  • Mẹ mang thai mà dùng thuốc tùy tiện: Tiếp xúc với khói thuốc lá, thiếu dinh dưỡng và một số loại vitamin chẳng hạn như axit folic, bị cảm cúm hay Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Mẹ bị bệnh tiểu đường thì rất có khả năng sinh con bị sứt môi (có hoặc không kèm theo hở hàm ếch).

Những vấn đề trẻ có thể gặp phải

  1. Sứt môi mà không bị hở hàm ếch
  2. Hở hàm ếch mà không bị sứt môi
  3. Sứt môi hở hàm ếch đi cùng nhau

Trẻ gặp dị tật sứt môi, hở hàm ếch thường kèm theo những vấn đề khác như gặp khó khăn trong việc bú, sặc thức ăn vào mũi hoặc nôn thức ăn ra theo đường mũi; viêm tai giữa và mất thính giác, dị tật răng và những khó khăn trong việc nói. Ngoài ra một số trẻ lớn lên sẽ có tâm lý mặc cảm về ngoại hình của mình.

Có thể phòng tránh dị tật này không?

Theo nhiều chuyên gia y tế, có thể phòng tránh được dị tật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ nếu trước khi mang thai mẹ được chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần, khám thai định kỳ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Mẹ nên giữ gìn sức khỏe, đặc biệt trong 3 tháng đầu vì đây là giai đoạn thai nhi đang phát triển các cấu trúc vùng hàm mặt.

Đồng thời trong suốt quá trình mang thai, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc hóa chất nguy hại, không nên sử dụng các chất kích thích (như rượu, bia, thuốc lá), đặc biệt tránh việc sử dụng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Dr PSY Việt Nam - Chậm nói & Chậm phát triển
Home
Hotline
Chỉ đường
Liên hệ
Zalo Chat