Khắc phục tình trạng trẻ thiếu tập trung, trí nhớ kém
Khi một đứa trẻ thiếu tập trung, trí nhớ kém, học trước quên sau, khả năng tiếp thu chậm, hậu quả là con khó theo kịp bạn bè đồng trang lứa. Khiến cha mẹ lo lắng không biết nguyên nhân là do đâu và làm sao để giúp con khắc phục tình trạng này hiệu quả?
Nguyên nhân trẻ thiếu tập trung, trí nhớ kém
Ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như tâm lý, sức khỏe, môi trường sống,… nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Trẻ thiếu tập trung, trí nhớ kém có thể do nhiều nguyên nhân chẳng hạn như:
Môi trường: Nhiều tiếng ồn từ ti vi, điện thoại và những người xung quan, thiếu sáng hoặc cường độ sáng quá mạnh, có nhiều đồ vật, đồ chơi trên bàn gây phân tâm…
Tâm lý: Mâu thuẫn giữa cha mẹ khiến trẻ bồn chồn, căng thẳng, lo lắng hoặc trẻ hay bị chê bai, đánh giá thấp về năng lực cá nhân,… trẻ kém tự tin và không còn hứng thú trong học tập.
Di truyền: Gen, các vấn đề về nội tiết hoặc rối loạn hoạt động dẫn truyền thần kinh,… có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ.
Sức khỏe: Thiếu ngủ, còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu kẽm, sắt hoặc các vitamin cần thiết, thậm chí cả béo phì, thừa cân cũng có thể khiến trẻ kém tập trung, chú ý.
Trẻ có IQ quá cao hoặc quá thấp: Kiến thức và những thông tin trẻ được nghe nằm ngoài hoặc dưới khả năng hiểu biết của trẻ, có thể gây tâm lý nhàm chán và khiến trẻ không còn hứng thú, chú tâm với việc học.
Mắc một số rối loạn thần kinh: Tăng động giảm chú ý, chậm phát triển, tự kỷ,… là những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ có thể gây giảm khả năng tập trung, ghi nhớ, tư duy và nhận thức.
Các nguyên nhân khác: Trẻ không được rèn luyện khả năng tập trung từ khi còn nhỏ hoặc cách giảng dạy của thầy cô, cha mẹ không phù hợp với trẻ,…
Tác hại của việc trẻ thiếu tập trung, trí nhớ kém như thế nào?
Mất tập trung chú ý đôi khi còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý liên quan đến rối loạn thần kinh như tăng động giảm chú ý, tự kỷ,… Cần được phát hiện và điều trị kịp thời, bởi trẻ thiếu tập trung, ghi nhớ kém có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Nhưng khi rơi vào tình trạng này sẽ không thể chú tâm làm một việc gì đó trong một khoảng thời gian nhất định. Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nó khiến chất lượng cuộc sống, kết quả học tập của trẻ giảm đi đáng kể. Điều này khiến trẻ bị bạn bè chê bài, trêu chọc,… trẻ dần trở nên tự ti và cô lập bản thân với mọi người xung quanh.
Cách khắc phục trẻ thiếu tập trung, trí nhớ kém ghi nhớ tốt hơn
Thiết lập kế hoạch sinh hoạt khoa học: Không chỉ học mà trẻ cũng cần được vui chơi, giải trí để phát triển nhiều kĩ năng khác nhau trong cuộc sống. Bởi vậy, cha mẹ không nên ép con học quá nhiều, thay vào đó hãy hạn định những khoảng thời gian tập trung cho mỗi nhiệm vụ là 30 – 45 phút. Sau đó dành khoảng 10 – 15 phút để trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn với các hoạt động bổ ích như đọc sách, xem phim, đá bóng, cầu lông,… để giúp trẻ tránh cảm thấy nhàm chán.
Thay đổi lối sống lành mạnh: Cha mẹ nên là người hướng dẫn và giúp trẻ thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày, cụ thể:
- Chú ý đến các bữa ăn: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là omega 3, sắt, kẽm, vitamin thông qua các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, cá thu, hạt điều, hạt óc chó, dầu oliu, dầu hạt lanh, tôm, cua, hải sản, các loại rau có màu xanh đậm,… Hạn chế những đồ ăn chứa nhiều đường, chất phụ gia bảo quản và các chất kích thích như kẹo ngọt, mì tôm, pizza, xúc xích, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh,…
- Cho trẻ ngủ đúng giờ (trước 10h), đủ giấc (7 – 8 tiếng/ngày), tránh thức quá khuya.
- Khuyến khích trẻ thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao với các bài tập như yoga, ngồi thiền, đi bộ nhẹ nhàng, hít sâu thở chậm,… để cải thiện tinh thần và nâng cao sự tập trung chú ý.
Tâm sự, trò chuyện với trẻ nhiều hơn: Đôi khi, trẻ có thể bị mất tập trung, ghi nhớ kém bị lo lắng, áp lực quá mức hoặc không hiểu bài giảng,… Bởi vậy, cha mẹ nên quan sát, lắng nghe, tâm sự với trẻ nhiều hơn để tìm ra những khó khăn mà con đang gặp phải, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp con sớm vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.
Hiểu rõ năng lực của trẻ: Mỗi trẻ có năng lực, khả năng tập trung, nhận thức khác nhau, bởi vậy cha mẹ không nên tạo quá nhiều áp lực khiến trẻ chán nản, thất vọng về bản thân. Thay vào đó, hãy tìm kiếm những ưu điểm của trẻ và tạo cơ hội để trẻ được phát huy tối đa.
Khuyến khích trẻ chơi những trò chơi cần sự tập trung cao: Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chơi những trò chơi cần sự tập trung, ghi nhớ, phản xạ nhanh như xếp hình, giải ô chữ, lắp ráp lego, xoay khối rubic, học vẽ,… Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu trẻ thực hiện các nhiệm vụ mang tính liên kết cao, chẳng hạn: sắp xếp mọi đồ dùng học tập, đồ chơi,… theo bảng chữ cái hay theo dạng kích thước tương đồng, điều này sẽ giúp trẻ học cách suy luận logic.
Chia nhỏ từng nhiệm vụ của trẻ: Đối với những nhiệm vụ lớn, cần tập trung trong thời gian dài, cha mẹ nên chia nhỏ thành nhiều bước để trẻ dễ dàng thực hiện hơn. Ví dụ như một bài toán khó có nhiều câu hỏi, cha mẹ có thể chia thành nhiều bài toán nhỏ khác nhau. Điều này giúp trẻ dễ dàng hoàn thành từng công việc và hứng thú hơn với các nhiệm vụ tiếp theo.
Khen “đúng chỗ”, thưởng “đúng lúc”: Khi trẻ làm đúng, bạn nên động viên, khuyến khích trẻ bằng những phần thưởng nhỏ như đồ chơi, cuốn sách, món ăn trẻ yêu thích,… hay chỉ cần một lời khen “Con làm tốt lắm”, “Cha/mẹ rất tự hào về con”… Những điều này sẽ là nguồn động lực để trẻ tập trung chú ý và làm nhiều việc đúng đắn hơn.
Tạo lập những thói quen tốt: Cha mẹ nên cùng trẻ thiết lập một kế hoạch công việc hàng ngày thật chi tiết, rõ ràng. Trong đó có mốc thời gian cụ thể cho từng nhiệm vụ và yêu cầu trẻ nghiêm túc thực hiện theo. Điều này giúp trẻ cải thiện sự tập trung và kỹ năng quản lý, tổ chức công việc tốt hơn.