
Phòng ngừa rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ
Rối loạn hành vi là tập hợp những vấn đề về cảm xúc bắt đầu từ thời niên thiếu hoặc ở trẻ vị thành niên kéo dài ít nhất 6 tháng. Khi mắc bệnh lý này trẻ thường không tuân theo những quy tắc hành xử của xã hội, không thể tự chủ được hành vi và cảm xúc của mình và có nhiều hành động xâm hại đến người khác.
Hành vi bình thường ở trẻ em luôn đa dạng và thay đổi theo sự phát triển. Một số trẻ hiền lành và ngoan ngoãn trong khi có một số trẻ hung hăng, hay tức giận hoặc tỏ thái độ thách thức với người lớn.
Đối tượng trẻ dễ mắc rối loạn hành vi
Theo các thống kê, ở trẻ nam trong độ tuổi vị thành niên hoặc thanh thiếu niên dễ mắc các bệnh rối loạn hành vi. Trong đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ có thể nói đến như trường hợp: Sinh non, nhẹ cân, tính khí thất thường, gia đình không hạnh phúc, khuyết tật trí tuệ…
Nguyên nhân gây ra rối loạn hành vi ở trẻ
Rối loạn hành vi thường xuất hiện vào cuối thời thơ ấu hoặc đầu tuổi vị thành niên, và nó thường phổ biến hơn ở các bé trai so với bé gái. Nguyên nhân của rối loạn hành vi có thể là sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường. Trẻ em có nguy cơ cao hơn nếu có cha mẹ mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn sử dụng chất kích thích, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn tâm trạng, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Tuy nhiên, các trẻ em từ các gia đình khỏe mạnh và hoạt động tốt cũng có thể mắc chứng rối loạn hành vi.
Triệu chứng rối loạn hành vi ở trẻ
Trẻ rối loạn hành vi thường rất khó để kiểm soát hành vi của mình nên rất dễ dẫn tới những hành vi tiêu cực, đi ngược lại quy chuẩn chung của xã hội. Do vậy, bố mẹ cần xem xét những triệu chứng của trẻ để phát hiện và thăm khám kịp thời:
- Thái độ ích kỷ: Trẻ có xu hướng chỉ quan tâm đến bản thân và không quan tâm đến cảm xúc của người khác.
- Quan hệ xã hội kém: Trẻ thường không xây dựng được mối quan hệ tốt với người khác và thiếu khả năng hòa nhập với người xung quanh.
- Thiếu cảm giác tội lỗi: Trẻ không có khả năng hiểu hành vi của bản thân là đúng hay sai và không có cảm giác tội lỗi sau khi vi phạm quy tắc.
- Vô cảm đối với cảm xúc và hạnh phúc của người khác.
- Trẻ có thể hiểu sai hành vi của người xung quanh là đe dọa và phản ứng một cách hung hăng với họ.
- Tham gia bắt nạt và đánh nhau: Trẻ có khuynh hướng tham gia bắt nạt, đe dọa và đánh nhau.
- Tàn nhẫn với động vật.
- Phá hoại tài sản: Trẻ có thể làm hư hỏng tài sản, đặc biệt là gây cháy.
- Nói dối hoặc ăn trộm.
Rối loạn hành vi ở trẻ ảnh hưởng khác nhau đối với bé trai và bé gái. Các bé gái thường ít hung hăng hơn về mặt thể xác và thay vào đó thường bỏ trốn, nói dối và thậm chí tham gia hoạt động mại dâm. Trong khi đó, các bé trai thường có xu hướng đánh nhau, trộm cắp và phá hoại. Tuy nhiên, tất cả những trẻ mắc chứng rối loạn hành vi đều có khả năng sử dụng các chất cấm.
Việc trẻ bị rối loạn hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy tắc xã hội là phổ biến nhất, có thể kể đến các vi phạm như việc bỏ nhà đi và trốn học thường xuyên. Ngoài ra trẻ có nguy cơ cao sẽ sử dụng ma túy trái phép và gặp khó khăn ở trường.
Điều trị rối loạn hành vi ở trẻ
Để điều trị rối loạn hành vi ở trẻ thành công thì nên điều trị càng sớm càng tốt. Qúa trình điều trị cho trẻ cần phải phù hợp với nhu cầu của từng trẻ và gia đình. Bước đầu tiên là nói chuyện với các bác sĩ để biết thêm về tình trạng của trẻ. Đôi khi, cần có thêm sự đánh giá toàn diện từ chuyên gia sức khỏe tâm thần để chẩn đoán đúng.
Đối với trẻ nhỏ, đào tạo liệu pháp hành vi cho cha mẹ thường là phương pháp hiệu quả. Nhà trị liệu giúp cha mẹ học cách củng cố mối quan hệ với con cái và cách phản ứng với hành vi của trẻ. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, phương pháp điều trị thường kết hợp việc đào tạo và phương pháp trị liệu cho trẻ, gia đình và nhà trường.
Một phần quan trọng của quản lý các triệu chứng của trẻ là duy trì sức khỏe toàn diện cho trẻ. Các phương pháp duy trì sức khỏe cho trẻ bao gồm:
- Hoạt động thể chất: Thể dục định kỳ giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đạm giúp cải thiện sức khỏe tâm lý.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cải thiện tư duy và kiểm soát hành vi.
- Tạo mối quan hệ tốt với gia đình: Hỗ trợ từ gia đình có thể giúp trẻ ổn định tâm trạng và hành vi, giảm rối loạn lo âu.
Phòng ngừa tình trạng rối loạn hành vi ở trẻ
Xác định được nguyên nhân sẽ giúp bố mẹ có những phương pháp phòng ngừa rối loạn hành vi ở trẻ em một cách đúng đắn. Ngoài nguyên nhân sinh học tự nhiên do di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa, thì đa số trường hợp là do gặp chấn thương não và do môi trường ảnh hưởng.
Do vậy, môi trường và gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa các rối loại hành vi. Bên cạnh đó cũng cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để dạy dỗ, uốn nắn tâm lý, hành vi của trẻ phát triển khỏe mạnh, bình thường.