Menu Đóng

Viêm phế quản ở trẻ em

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa hoặc mùa lạnh thì tỷ lệ trẻ mắc viêm phế quản có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn với tình trạng viêm họng, dẫn đến bệnh có diễn biến nặng.

Những trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc bệnh và thường diễn tiến nặng đến viêm phổi. Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. Influenzae, rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh.

Chính vì vậy, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường bị ô nhiễm… là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.

Cách nhận biết trẻ viêm phế quản

Khi bị viêm phế quản, đa phần trẻ sẽ có những biểu hiện sau:

  • Sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, thở khò khè.
  • Sốt nhẹ, thậm chí là bị sốt cao (> 39 độ C).
  • Ho khan, ho có đờm, cơn ho xuất hiện nhiều vào ban đêm hoặc buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy.
  • Dấu hiệu khác: đau cơ, mệt mỏi, đau ngực, nôn mửa, bú kém,…

Nếu triệu chứng của trẻ tăng nặng thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt:

  • Trẻ có dấu hiệu thở nhanh, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực, da tím tái, khó thở.
  • Sốt cao không hạ mặc dù đã dùng thuốc giảm sốt.
  • Trẻ li bì, bỏ bú, khó đánh thức.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm phế quản là bệnh lý viêm nhiễm xảy ra ở khí quản cũng như các phế quản lớn. Tác nhân thường gặp nhất gây ra bệnh viêm phế quản đó chính là virus. Trẻ em chính là đối tượng dễ bị viêm phế quản nhất, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 6 tháng – 3 tuổi. 

Thời điểm thời tiết giao mùa, chuyển lạnh là lúc trẻ rất dễ bị viêm phế quản. Bệnh có thể đồng thời xuất hiện hoặc sau khi trẻ bị mắc những bệnh lý khác như ho gà, bệnh cúm hoặc sởi. 

  • Virus: được coi là tác nhân phổ biến nhất. Tuy nhỏ bé nhưng những loại virus như Parainfluenzae, Enterovirus, Influenzae A và B, Adenovirus type 1-7, virus hợp bào hô hấp (RSV), Human Bocavirus, Rhinovirus, Herpes Simplex Virus,… có thể xâm nhập và tấn công hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ. Nhất là khi trẻ đang bị mắc những bệnh về tai mũi họng thì chúng càng dễ gây bệnh viêm phế quản hơn.
  • Viêm phế quản tái phát thường là do trẻ đang bị suy giảm sức đề kháng, trào ngược dạ dày thực quản, cơ địa dị ứng, bệnh xơ nang hoặc môi trường trẻ sinh sống có quá nhiều khói bụi,…

Điều trị viêm phế quản thế nào?

  • Đối với những trẻ bị nhẹ thì có thể chưa cần phải dùng đến thuốc kháng sinh. Cha mẹ nên chú ý đến việc giúp trẻ long đờm, thông thoáng đường thở, bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trẻ.
  • Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm phế quản thì hãy cho trẻ bú nhiều sữa mẹ, còn trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên thì cho trẻ uống thêm nước.
  • Vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng và giữ ấm cơ thể trẻ.
  • Khi trẻ bị sốt thì cha mẹ không nên cho trẻ mặc quá nhiều quần áo hay ủ ấm quá kỹ. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những loại quần áo thoáng mát, rộng rãi để mặc cho trẻ. 
  • Khi trẻ có những triệu chứng bất thường như không hạ sốt, khó thở thì cần phải đưa trẻ đi nhập viện ngay.

Phòng tránh viêm phế quản ở trẻ

  • Viêm phế quản có thể lây lan trực tiếp hoặc gián tiếp từ người sang người, cụ thể là nếu trẻ tiếp xúc gần hay giao tiếp với người bệnh, virus chứa trong những giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho sẽ đi vào đường hô hấp của trẻ. Mặt khác, virus còn có khả năng sống sót lâu tới hàng giờ liền ngoài không khí, tồn tại trong những đồ dùng cá nhân như cốc chén, bát đĩa, khăn mặt, quần áo,… của người bệnh nên khi trẻ sờ vào những vật dụng này thì khả năng lây nhiễm cũng rất cao. Chính vì vậy, cha mẹ nên dạy bé thói quen thường xuyên rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn, tránh nơi ô nhiễm, ăn uống hợp vệ sinh, không để trẻ tiếp xúc gần với khói thuốc lá hoặc những người đang bị bệnh, tránh tụ tập đông người. Khi cho trẻ ra đường, hãy chú ý cho trẻ đeo khẩu trang và che chắn kỹ lưỡng.
  • Môi trường sống trong nhà cần đảm bảo luôn thoáng mát, ngăn nắp, sạch sẽ để ngăn chặn nguy cơ phát triển của nấm mốc và vi khuẩn. 
  • Thường xuyên cho trẻ uống nước ấm và các món ăn bổ dưỡng từ rau xanh, trái cây tươi,…
  • Giữ ấm cho cơ thể trẻ khi thời tiết giao mùa, ngăn không để viêm phế quản diễn tiến nặng vì sẽ dễ trở thành viêm phổi rất nguy hiểm. 
  • Khi trẻ có các dấu hiệu hắt hơi sổ mũi thì nên chú ý vệ sinh tay chân, mũi họng cho trẻ trước, tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng kháng sinh bởi vì nguyên nhân gây viêm phế quản là do virus nên việc dùng kháng sinh sẽ không có tác dụng. Đồng thời việc dùng kháng sinh vô tội vạ sẽ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh trong tương lai, rủi ro về tác dụng phụ cũng rất lớn.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Dr PSY Việt Nam - Chậm nói & Chậm phát triển
Home
Hotline
Chỉ đường
Liên hệ
Zalo Chat