Điều trị tật nói lắp như thế nào?
Tình trạng nói lắp là gì
Đây là tình trạng rối loạn diễn đạt ngôn ngữ hay rối loạn nhịp điệu khi nói chuyện. Người nói gặp vấn đề trong việc đảm bảo liền mạch và trôi chảy câu cú trong giao tiếp như: bị kéo dài từ hay phát âm, bị lặp đi lặp lại một từ nhiều lần, lỗi phát âm lặp lại một âm tiết nguyên âm hay phụ âm, đôi khi người bệnh dừng lại đột ngột mà không thể nói hết câu theo ý muốn. Những người mắc bệnh nói lắp luôn biết rõ mình định nói điều gì song lại không thể truyền đạt thành một câu trôi chảy khi nói.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh nói lắp?
Bệnh nói lắp được nghiên cứu và cho rằng có tính di truyền, có thể xảy ra bất kỳ lứa tuổi nào và thể hiện qua 4 nhóm nguyên nhân nói lắp cơ bản.
- Nguyên nhân do quá trình phát triển, hoàn thiện về ngôn ngữ ở lứa tuổi trẻ em trong giai đoạn từ 3- 6 tuổi. Trong giai đoạn tập nói, trẻ em chưa có đủ vốn từ để diễn đạt ý muốn của mình với người khác, dẫn tới nói lắp. Bệnh nói lắp trong trường hợp này phần lớn sẽ tự hết sau một khoảng thời gian mà không cần can thiệp trị liệu, cụ thể là sau khi trẻ đã hoàn thiện giai đoạn tập nói.
- Nguyên nhân do tổn thương hệ thần kinh chỉ đạo ngôn ngữ hoặc do các bệnh lý gây tổn thương não và hệ thống dẫn truyền hành động.
- Nguyên nhân do di chứng của một số bệnh khác như: đột quỵ, bị chấn thương khu vực đầu, các khối u ở não hoặc các bệnh lý về thần kinh. Nếu bệnh nhân nói lắp rơi vào các nguyên nhân này thì được liệt vào trường hợp nghiêm trọng, vì thế thường cần can thiệp trị liệu ngôn ngữ sớm và trong thời gian khá dài. Kết quả trị liệu tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của các bộ phận bị tổn thương.
- Nguyên nhân nói cà lăm do áp lực tâm lý: thường là khi một người gặp sự cố bất ngờ, cú sốc lớn hay có sự sang chấn, thay đổi tâm lý mạnh mẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Loại tổn thương này rất cần có sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, người thân, bạn bè hay bố mẹ ở bên.
Nói lắp không phải là chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Khi khả năng giao tiếp bị hạn chế thì người bệnh rất hay mặc cảm, thiếu tự tin, thu mình, ngại giao tiếp xã hội, gặp nhiều khó khăn trong công việc, giao tiếp và cuộc sống.
Nói lắp gây khó khăn gì?
Bệnh nói lắp khiến cho người bệnh khó khăn trong trình bày nội dung muốn truyền đạt. Dù người nói có thể nói hết câu thì cũng khó mà nói hay và trôi chảy như người khác. Điều đó là điểm yếu rất lớn khiến người nói lắp gặp khó khăn hơn trong cuộc sống và công việc, có thể vì nó mà đánh mất đi nhiều cơ hội tốt.
Bệnh nói lắp luôn khiến người bệnh tự ti, mất tự tin về bản thân, có xu hướng co mình và khéo mình với xã hội. Thường bệnh nhân bị tâm lý không dám nói vì sợ chứng nói lắp của mình sẽ làm trò hề cho người khác, từ đó có thể dẫn đến nhiều bệnh về tâm lý khác.
Các vấn đề tâm lý mà người nói lắp có thể gặp phải:
– Khó khăn khi giao tiếp nói chung.
– Không thích chỗ đông người hoặc từ chối kết nối với người khác.
– Bỏ lỡ các hoạt động ngoài xã hội, ở trường hay ở nơi làm việc.
– Bị bắt nạt, kỳ thị, xa lánh bởi một nhóm người nào đó.
– Thiếu tự tin, khép mình, ít cởi mở với thế giới bên ngoài.
– Mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ, rối loạn tăng động, rối loạn cảm xúc….
Cách chữa nói lắp như thế nào?
1. Tập đọc to hàng ngày
Người nói lắp nên tập đọc to mỗi ngày một lần. Những ngày đầu còn khó khăn, hãy đọc một đoạn ngắn chừng 200 chữ trước, sau đó tăng dần lượng từ, hoặc tăng dần số lần với khoảng thời gian cách xa nhau trong ngày để đỡ thấy chán nản. Trước hết là đọc cho mình nghe, ghi âm, sau đó nhờ một người bạn nghe mình đọc, nâng cao hơn nữa là đọc thơ, hát trước bạn bè. Điều này vừa có thể khắc phục trở ngại về ngôn ngữ, vừa khắc phục được trở ngại về tâm lý. Người nói lắp phải dám mạnh dạn thể hiện mình, cố ý nói chuyện ở chỗ đông người để cho sự căng thẳng tâm lý giảm đi. Sự tập trung tinh thần vào tiết tấu và âm luật sẽ khiến bệnh nhân chuyển được sự chú ý đối với động tác phát âm, dần dần sẽ nói tự nhiên hơn.
2. Tập nói trước gương
Đứng trước gương tập nói hay thường xuyên nói chuyện cùng với những người thân của mình là một trong những cách đem lại hiệu quả cao. Nhưng lưu ý là phải luyện tập đều đặn, kiên trì hằng ngày. Việc nhìn vào gương và nói có thể khiến bạn không tập trung, nhưng lại đánh thức thị giác và những giác quan khác giống như khi bạn giao tiếp với người khác, cho nên nó là cách rèn luyện tốt việc tập trung nói của mình ngay cả khi có những tác nhân khác làm dao động tâm lý của bạn. Rất nhiều người khi nói một mình thì dễ nhưng khi đối mặt với đối phương, họ lại bị ảnh hưởng tâm lý đó và nói lắp, nói không đúng nội dung mình chuẩn bị. Tập nói trước gương giúp bạn tránh được điều đó kha khá đấy.
3. Các bài tập thể chất
Chắc bạn khá tò mò vì thấy thể chất liên quan gì đến thanh quản hay phát âm và nói. Có đấy, rất mật thiết là khác. Các MC dẫn chương trình, biên tập viên, ca sĩ họ đều phải trải qua những bài tập hít vào, thở ra, thở bằng miệng, hít bụng khí, khẩu hình… Chữa nói lắp cũng vậy, có nhiều người mắc tật nói lắp nhiều từ, nhiều âm mà quên đi hoặc không thể phát âm được nhiều âm khác, do vậy việc luyện tập này để người mắc có thể phát âm thật trôi chảy tất cả âm thanh tạo nên từ, câu. Kết hợp được các bài tập này, không những chữa tật nói lắp mà còn luyện được một giọng nói trầm bổng, có sức cuốn hút nữa. Một số bài tập thể chất có thể áp dụng:
– Thả lỏng các cơ căng ở lưng, cổ và cánh tay. Thả lỏng và buông vai xuống mức tự nhiên.
– Rung bật môi vài giây trước khi bắt đầu nói.
– Lắc chân và cánh tay để giảm căng cơ. Vặn phần thân trên.
4. Thư giãn tinh thần
Muốn bỏ được nói lắp, trước hết phải xóa bỏ trở ngại về tâm lý. Nếu xem nói lắp là vấn đề quá nghiêm trọng thì trở ngại tâm lý sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu cho đó là một tật bình thường, có thái độ coi thường thì sẽ dễ uốn nắn, thậm chí không chữa cũng khỏi. Tự nhủ rằng bạn sẽ thực sự làm tốt. Khi lo lắng bạn sẽ càng dễ nói lắp hơn. Để luyện tập tốt, thể chất và tinh thần đều cần được thư giãn. Cách làm như sau:
– Tự nhủ: “Mình mạnh hơn nói lắp nhiều” hay “mình chủ động không gặp nó nó sẽ tự rời xa”.
– Đừng cho rằng đây là tình huống nghiêm trọng. Nói lắp một chút cũng không sao – để tránh áp lực tâm lý rằng nhất định không được nói lắp, bạn sẽ nản lòng ngay.
– Tập trung chú ý trong đầu. Nhẹ nhàng để sự tập trung chầm chậm chảy đến những bộ phận xa nhất của cơ thể, thở đều.
– Bạn có thể thực hiện điều này dưới dạng thiền.