Menu Đóng

Tiêu cực khi bị Body Shaming (miệt thị ngoại hình)

Body shaming là gì?

Body shaming dịch từ từ điển Anh – Việt có nghĩa là miệt thị ngoại hình. Để hiểu một cách chính xác hơn thì body shaming là sử dụng lời nói, ngôn ngữ để chê bai, chế giễu ngoại hình, khuyết điểm của người khác hoặc chính bản thân mình.

Trong những năm gần đây, cụm từ body Shaming cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn bởi có quá nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề từ hành động này. Cần hiểu rằng những cụm từ, câu nói về ngoại hình được đánh giá là body shaming không mang tính chất góp ý, chia sẻ hay khuyên nhủ về việc người đó nên thay đổi, chăm sóc hơn cho bản thân mà mang tính công kích, hạ nhục và miệt thị một cách rõ ràng.

Bản thân chính chúng ta đôi lúc cũng có thể lỡ miệng nên có những câu nói mang tính chất nhắm vào khuyết điểm của người khác khiến họ tổn thương, nhưng khi ý thức được điều đó chúng ta thường xin lỗi ngay. Tuy nhiên với những kẻ chuyên body shaming họ lại coi đó là niềm vui, cảm thấy vui sướng khi chỉ trích hay khiến người khác cảm thấy xấu hổ với khuyết điểm của chính mình.

Thực tế ở rất nhiều người, đặc biệt là những người có xu hướng thiếu tự tin, hay bị người khác body shaming thì họ cũng tự miệt thị chính mình. Họ luôn cảm thấy mình xấu xí, chiếc chân của mình thật đáng loại bỏ, khuôn mặt này thật kinh khủng. Tự bản thân họ vì phải lắng nghe quá nhiều những lời chỉ trích từ những người xung quanh nên tự mình xát muối vào vết thương của chính mình.

Một số dạng miệt thì ngoại hình phổ biến như:

  • Miệt thị thân hình, vóc dáng: chỉ vào các khiếm khuyết như béo, lùn, gầy của người khác, thậm chí còn so sánh những người này với động vật hay đồ vật… Chẳng hạn “béo như heo”, “chân như cái cột đình”.. chính là những câu body shaming cực kỳ phổ biến.
  • Miệt thị làn da: Nạn nhân của dạng này thường là những người có da quá đen, da nhiều mụn, da bị nám tàn nhang, đặc biệt dễ gặp ở phụ nữ hay các những người đang trong độ tuổi dậy thì dễ bị mụn.
  • Miệt thị màu da: hay nói chính xác hơn chính là phân biệt chủng tộc. Phân biệt giữa người da đen và da trắng, da vàng chính ra nguồn gốc gây ra rất nhiều cuộc chiến về chủng tộc ở nhiều quốc gia.
  • Face – shaming: chê bai các đường nét trên khuôn mặt người khác, chẳng hạn mặt quá to, mắt quá bé, mũi tẹt, miệng rộng, răng hô.. cũng chính là một dạng của miệt thị ngoại hình.

Đối tượng Body shaming

Thực tế thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng body shaming. Đó có thể là bạn, là những người khiếm khuyết, những người có ngoại hình không bắt mắt hay ngay cả những người nổi tiếng cũng đều có thể trở thành đối tượng bị chỉ trích và miệt thị về ngoại hình. 

Không một ai trên đời này hoàn hảo, chính vì vậy chỉ cần bạn không vừa mắt một ai đó, ngay lập tức bạn sẽ trở thành nạn nhân của body shaming, phải chịu những lời miệt thị từ người khác. Vì thế, đừng quá quan tâm đến những lời nói chế giễu về ngoại hình hay những tiêu chuẩn mà người khác áp đặt lên bạn, chỉ cần bạn thoải mái với chính bản thân mình tức là lúc ấy bạn đã rất đẹp rồi.

Nhận biết dấu hiệu Body shaming

Bất kỳ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của body shaming, nhưng bằng cách nào để nhận biết được rằng mình có đang bị body shaming hay vô tình trở thành người body shaming người khác hay không? 

Đối với người khác: 

  • Dạo này tròn quá nhỉ?
  • Sao dạo này mày mập thế
  • Lùn như thế sao với tới được!
  • Mặt mụn thế này không thấy gớm à?
  • Người gì mà chỉ toàn da bọc xương không vậy?
  • Đã mập vậy rồi mà còn ăn nhiều thế?

Đối với bản thân: 

  • Mình lùn hơn so với mọi người nhiều quá
  • Người ta mặc chiếc áo đó đẹp ghê sao mình mặc lại xấu thế này?
  • Vừa béo, vừa lùn thế này làm gì có ai thích chơi với mình
  • Da mặt dạo này xấu quá chẳng muốn gặp ai cả.

Những tiêu cực khi bị Body shaming

Những người chuyên đi miệt thị, chê bai, cười cợt người khác không thể hiểu được hành vi của họ đã gây ra tiêu cực đáng sợ thế nào với nạn nhân. Một người từ hoạt bát, vui vẻ, yêu đời có thể trở nên tiêu cực, không dám thể hiện bản thân, không còn là chính mình sau khi bị những người xung quanh body shaming.

  • Đánh mất sự tự tin: khi phải nghe quá nhiều điều tiêu cực, tinh thần sẽ bị ảnh hưởng, ngay cả việc soi gương cũng khiến người đó cảm thấy mình thật xấu xí, đúng như những người đấy nói. Cảm giác chính bản thân mình cũng thấy mình đầy khiếm khuyết vô cùng đáng sợ, họ dần đánh mất sự tự tin, trốn tránh hiện thực và đánh mất chính mình.
  • Tách biệt bản thân: bị bị body shaming quá nhiều, những người này dần hình thành cảm giác sợ người khác nhìn mình, cảm giác rằng mọi người đang soi mói để chỉ trích họ tiếp tục nên có xu hướng dần tách biệt với tất cả. Một số nạn nhân thậm chí còn không dám ra ngoài, không dám gặp gỡ bạn bè thân thiết vì sợ ai đó sẽ lại nói về các khiếm khuyết ngoại hình của mình.
  • Sử dụng các phương pháp làm đẹp tiêu cực: chẳng hạn ở những người bị chê béo, chê chân to có thể sử dụng các loại thuốc giảm cân hay nhịn ăn để giảm cân nhanh chóng; người bị chê đen có thể sử dụng kem trộn hay những người bị mụn có thể sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để nhanh chóng có làn da mịn màng. Họ không có các biện pháp khoa học mà chỉ thực hiện vô tội vạ do muốn có kết quả nhanh chóng, dẫn đến ngoại hình không hề cải thiện mà thậm chí còn tồi tệ hơn. Không ít người phải cấp cứu vì thuốc giảm cân hay phải vào bệnh viện da liễu điều trị tốn rất nhiều chi phí vì hỏng da.
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý: chứng sợ xã hội, trầm cảm, rối loạn lo âu cùng hàng loạt vấn đề tâm lý khác đều được hình thành từ chính những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, đau khổ kéo dài vì bị body shaming. Họ tự cảm thấy sợ hãi chính bản thân mình, những lời chê bai của những người xung quanh cứ luôn hiện hữu trong tâm trí làm họ bị ám ảnh không thể thoát ra được. Thậm chí có những còn dẫn đến tự tử vì bị miệt thị ngoại hình trong thời gian dài.
  • Thay đổi về mặt tính cách: Từ một người năng động, hoạt bát, tích cực nhưng khi bị chê bai quá nhiều những người này có thể ngày càng sống khép kín, ít nói, ít chia sẻ hơn. Hay một số khác có thể có xu hướng ngày càng tiêu cực, dễ trở nên bực tức, kích động, dễ bạo lực, đặc biệt khi bị người khác trêu chọc về ngoại hình. Thực tế cũng rất nhiều trường hợp sau khi bị những người xung quanh miệt thị, trêu chọc quá nhiều dẫn tới tấn công người đó, từ nạn nhân trở thành hung thủ giết người, đây là những tình huống cực kỳ đáng buồn do không ngăn chặn nạn body shaming kịp thời.

Làm sao để vượt qua nỗi sợ Body shaming?

Body shaming sẽ rất ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Nó đã không chỉ là những lời nói thông thường mà đã trở thành “bạo lực bằng lời nói” bởi tính sát thương của body shaming chẳng thua kém gì với bạo lực. Nó có thể hủy hoại một con người. Chính vì vậy, chúng ta cần biết cách để vượt qua những nỗi sợ mà body shaming gây ra.

  1. Tự chấp nhận và yêu thương bản thân: Tự chấp nhận là bước quan trọng. Hãy nhìn vào bản thân mình với tình yêu thương và sự tôn trọng, nhấn mạnh vào những khía cạnh tích cực và độc đáo của bản thân.
  2. Thúc đẩy tư duy tích cực: Tập trung vào những suy nghĩ tích cực và mọi khía cạnh tốt đẹp của bản thân. Hãy nhớ rằng giá trị của bạn không chỉ nằm trong hình dáng bên ngoài.
  3. Học cách chấp nhận sự khác biệt: Mọi người đều có các đặc điểm cơ thể khác nhau. Việc chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái với bản thân mình và người khác.
  4. Xây dựng lòng tự tin từ bên trong: Hãy tập trung vào những điều bạn làm tốt, sở thích, kỹ năng cá nhân và cách bạn tương tác với thế giới xung quanh. Sự tự tin không chỉ đến từ ngoại hình mà còn từ năng lực và kiến thức của bạn.
  5. Tìm sự hỗ trợ và kết nối: Nếu bạn cảm thấy bị ảnh hưởng bởi Body shaming, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các nhóm cộng đồng. Kết nối với những người có quan điểm tích cực và có thể cung cấp sự ủng hộ cho bạn.
  6. Loại bỏ hoặc giảm tiếp xúc với nguồn gây áp lực: Nếu có thể, tránh hoặc giảm tiếp xúc với những nguồn gây áp lực, chẳng hạn như truyền thông xã hội, tạp chí, hoặc người gây áp lực về việc giao tiếp với bạn về vấn đề hình dáng cơ thể.

Nếu cảm thấy sự tổn thương Body shaming ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tinh thần hãy tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia hoặc Bác sĩ có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ này. Mọi người đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương vì những phẩm chất tích cực và giá trị của họ, không phải chỉ dựa trên ngoại hình. Điều quan trọng nhất là xây dựng một tư duy tích cực về bản thân và đánh giá cao sự tự tin từ bên trong con người bạn.

    Dr PSY Việt Nam - Chậm nói & Chậm phát triển
    Home
    Hotline
    Chỉ đường
    Liên hệ
    Zalo Chat