Những đứa con dạy thì như “biến thành người khác”, cha mẹ lo lắng!
Đối với bậc làm cha mẹ có con trong độ tuổi dạy thì không còn ngạc nhiên vì sự thay đổi “tính nết” của con cái. Nhiều cha mẹ còn loay hoay, bất lực không biết nên làm gì, nói gì trước độ tuổi ẩm ương này. Trước đây con là đứa trẻ rất ngoan, nghe lời người lớn luôn nằm trong vòng tay của cha mẹ, nhưng bỗng một ngày tích cách con thu mình lại, bắt đầu lầm lì, ngang bướng, cộc cằn, có những bí mật riêng… Từ đứa con ngoan hiền bỗng chốc như biến thành một ai đó xa lạ.
Khủng hoảng tâm lý tuổi dạy thì thế nào?
Quá trình lớn lên và trưởng thành, mỗi đứa trẻ nào cũng phải trải qua các giai đoạn như khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi dậy thì, hay khủng hoảng tuổi già. Trong những giai đoạn này, tuổi dậy thì là giai đoạn có nhiều thay đổi phức tạp về tâm sinh lý, cũng là giai đoạn quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Tuổi dậy thì thường xảy ra trong độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn tùy vào thể trạng của từng trẻ. Con trai thường dậy thì trễ hơn so với con gái.
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì xảy ra khi các hormone sinh dục trong cơ thể thay đổi, khiến trẻ dần bộc lộ những đặc điểm riêng của từng giới tính. Ví dụ như ngực phát triển và có kinh nguyệt ở nữ, hay mọc râu và vỡ giọng ở nam. Ngoài ra tâm lý của trẻ trong thời gian này cũng rất nhạy cảm. Trẻ bắt đầu tò mò về giới tính, muốn khám phá và hiểu biết nhiều thứ và phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn trong cuộc sống.
Những trẻ dậy thì sớm có thể gặp phải nhiều vấn đề như bị trêu chọc, bị bắt nạt do sự khác biệt của mình so với bạn bè cùng lứa. Một số đặc điểm trên cơ thể dễ thấy của tuổi dậy thì như nổi mụn, ngực phát triển, có râu, vỡ giọng, tăng cân dễ dàng trở thành những nguyên nhân khiến trẻ bị công kích.
Lúc này, trẻ dễ rơi vào trạng thái xấu hổ, buồn bã. Nếu không được quan tâm chăm sóc, trẻ rất dễ bị stress hay trầm cảm ở tuổi dậy thì. Tồi tệ hơn, trẻ sẽ có xu hướng tự sát. Số ca tự tử ở trẻ trong độ tuổi dậy thì được ghi nhận trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì
Thể chất thay đổi đột ngột, áp lực học tập, áp lực từ gia đình và xã hội, tâm lý ganh đua với bạn cùng trang lứa, thiếu hiểu biết về giới tính, tổn thương tâm lý,… đều là những nguyên nhân khiến trẻ bị khủng hoảng. Nếu những áp lực này không được giải quyết nhanh chóng thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và cả sức khỏe tinh thần của trẻ trong độ tuổi dậy thì.
Thay đổi về thể chất:
Không ít trẻ cảm thấy hoảng hốt và lo sợ khi thấy sự thay đổi của bản thân. Ví dụ như có kinh ở bé gái và mộng tinh ở bé trai. Nếu trẻ chưa được chuẩn bị những kiến thức đầy đủ về giới tính, trẻ có xu hướng hoang mang không biết bản thân đang gặp vấn đề gì.
Thể chất thay đổi có thể khiến trẻ căng thẳng, sợ hãi và gây khủng hoảng tâm lý. Tệ hơn là trường hợp trẻ không dám nói với bố mẹ vì xấu hổ, và tự tìm cách để khiến bản thân trở lại “bình thường”. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ về sau.
Áp lực chính từ gia đình:
Những yêu cầu khắt khe của gia đình và xã hội về thành tích học tập hay hành vi cư xử có tác động mạnh đến tâm lý của trẻ. Ở độ tuổi dậy thì, cái tôi của trẻ bắt đầu bộc lộ. Trẻ muốn khẳng định mình với mọi người và không muốn bị đem so sánh với “con nhà người ta”.
Việc cha mẹ liên tục so sánh trẻ với anh chị em trong gia đình, hoặc với bạn bè có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực, tủi thân dẫn đến tâm lý cáu gắt, ghét bỏ mọi thứ và muốn nổi loạn. Bên cạnh đó, sự la mắng (đôi khi vô cớ) của cha mẹ càng khiến trẻ cảm thấy chán ghét và khủng hoảng hơn.
Bị tổn thương về tam lý nặng nề:
Trẻ có thể bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng do bệnh tật, tai nạn, bị bạo hành thể xác và tinh thần, bị lạm dụng, bị bạn bè bắt nạt,… Những tổn thương này rất khó chữa lành và khiến trẻ khủng hoảng tâm lý nặng nề.
Sự ảnh hưởng của xã hội:
Tuổi dậy thì cũng là độ tuổi dễ sa ngã. Trẻ rất dễ bị người xấu hay bạn bè lôi kéo, lợi dụng, rủ rê vào những tệ nạn xã hội như đánh bài, hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, sử dụng chất cấm,… Những thói hư tật xấu này ảnh hưởng rất nặng đến tâm lý của trẻ khi ở tuổi dậy thì. Độ tuổi này trẻ chưa đủ hiểu biết và suy nghĩ chín chắn để bảo vệ bản thân.
Áp lực học tập, thi cử:
Giai đoạn dậy thì thường rơi vào thời cấp 2, đó là khi trẻ bắt đầu có những áp lực nhất định về học tập và thi cử. Làm sao để đạt điểm cao, làm sao học bài nhanh và nhớ lâu, làm sao để vận dụng kiến thức vào bài vở, làm sao thi cử được thứ hạng cao,… là những vấn đề khiến trẻ căng thẳng. Giai đoạn này những kiến thức cần tiếp thu cũng khó và xa lạ hơn ở cấp 1, buộc trẻ phải dành nhiều thời gian hơn để học tập. Ngoài ra, tâm lý hơn thua thành tích cũng bắt đầu xuất hiện. Việc thi chuyển cấp và áp lực học tập cũng trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh khiến trẻ dễ bị khủng hoảng tâm lý hơn.
Nhận diện khủng hoảng tâm lý tuổi dạy thì như nào?
Tâm lý “mình nay đã lớn” sẽ khiến trẻ có những hành động nông nổi, bốc đồng mà không quan tâm đến hậu quả. Chính vì thế cha mẹ cần quan tâm, cũng như chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý cho trẻ thật tốt để vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì này.
Nếu thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, cha mẹ cần nhanh chóng tâm sự, khuyên bảo và khích lệ để trẻ nhanh chóng bình tĩnh lại. Tránh việc để trẻ bơ vơ giữa lúc khó khăn khiến trẻ khủng hoảng tâm lý nặng nề hơn.
- Tâm trạng không ổn định.
- Hay giận dữ, cáu gắt, lo âu, căng thẳng.
- Nhốt mình trong không gian riêng.
- Không muốn chia sẻ hay trò chuyện với cha mẹ.
- Thích làm theo ý mình, chán ghét việc bị quản lý, kiểm soát.
- Bảo vệ ý kiến cá nhân và bỏ ngoài tai những lời khuyên của cha mẹ.
- Có tâm lý chống đối và cảm xúc tiêu cực về mọi thứ.
- Xa lánh mọi người, kể cả người thân trong gia đình.
- Cảm thấy chán nản, mất hứng thú với điều mình từng thích.
- Thường xảy ra tranh cãi, xung đột gay gắt với cha mẹ về nhiều vấn đề.
- Có dấu hiệu trầm cảm, stress.
- Ngủ không ngon giấc.
- Chất lượng giấc ngủ giảm khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Khẩu vị thay đổi thất thường, ăn uống không ngon miệng.
- Tăng cân hoặc sụt cân bất thường.
- Bị dụ dỗ sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay chất kích thích.
- Dễ nổi nóng, thích đánh nhau để thể hiện sức mạnh.
- Tìm kiếm những nội dung 18+ để thỏa mãn sự tò mò.
- Cảm thấy xấu hổ, lo sợ về ngoại hình của bản thân.
- Có xu hướng tự tổn hại bản thân, thậm chí tự tử.
- Trí nhớ và khả năng tập trung giảm sút gây ảnh hưởng học tập
Con cần sự thấu hiểu từ cha mẹ
Bước vào tuổi dậy thì, từ sự phát triển nhảy vọt về mọi mặt mà ở thiếu niên hình thành cảm giác mình là người lớn và phát triển mạnh mẽ các nhu cầu: được độc lập, khẳng định bản thân, tìm kiếm vị thế mới…
Con ở độ tuổi này mà tỏ thái độ xa cách, hay cãi lại, phán xét, chê bai cha mẹ… là chuyện thường xảy ra. Thế nhưng nhiều cha mẹ vì chưa hiểu biết hoặc không chấp nhận sự thay đổi này ở đứa con từng ngoan hiền trước đây nên nổi xung với con.
Ngày nay, cha mẹ luôn phải lo mưu sinh, thậm chí làm tới mấy đầu việc nên khi gặp bực bội trong công việc hay mối quan hệ thì về nhà trút lên trẻ. Thậm chí không còn thời gian trò chuyện với con, khiến con dần xa cách cha mẹ. Không ít cha mẹ còn giao tiếp với con theo kiểu độc đoán, bề trên, từ đó áp đặt và ra lệnh chứ không chia sẻ và đồng hành.
Chính vì vậy, khi bước vào tuổi mới lớn con càng ngại tiếp xúc với cha mẹ. Nhiều khi con gặp khó khăn gì đó, thay vì động viên, an ủi, gợi ý giải pháp thì cha mẹ lại “dập” con te tua khiến con không dám chủ động nói ra những khó khăn của mình.
Nhiều cha mẹ còn chưa kiểm soát tốt cảm xúc của mình nên rất dễ bực mình, nổi nóng khi giao tiếp với con. Ngoài ra, Internet và các thiết bị thông minh cũng khiến cho cả con cái lẫn cha mẹ dễ sa đà lạm dụng thay vì dành thời gian cho nhau.
Cha mẹ cần phải thay đổi
Vì con, cha mẹ có thể bớt giao lưu bạn bè, vui chơi giải trí, thậm chí tạm hi sinh một số mục tiêu cá nhân để có thêm thời gian tương tác với con. Hoặc cùng chơi thể thao, làm việc nhà, giải trí cùng nhau… để qua đó giao tiếp, giáo dục con cái. Những biến động tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì là quá trình tự nhiên và không thể thay đổi được, do đó chính cha mẹ phải cần thay đổi để thích ứng.
Muốn vậy, cha mẹ cần bỏ công tìm hiểu về đặc điểm tâm lý lứa tuổi thiếu niên, quan tâm nhiều hơn để hiểu thêm về con mình. Từ đó cha mẹ mới mong tương tác phù hợp với đứa trẻ đang chuẩn bị thành người lớn.
Ngoài ra, cha mẹ cần điều chỉnh cách giao tiếp với nhau sao cho ấm áp, tôn trọng, tình cảm hơn để rồi từ đó tạo ra bầu không khí tích cực, lành mạnh cho việc giao tiếp, giáo dục con. Cha mẹ cần bớt cái tôi trong giao tiếp – ứng xử vì ở trong một gia đình mà ai cũng muốn giành phần thắng là… thua. Nếu cha mẹ không ý thức điều này thì khó mà giao tiếp hiệu quả với đứa con vốn cũng đang khao khát khẳng định bản thân.
Chính vì vậy. Cha mẹ nào ý thức điều đó quan trọng thì tự khắc sẽ bỏ công tìm hiểu, trau dồi để có thể giao tiếp với con hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cha mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô, chuyên viên tâm lý học đường… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải sẵn sàng thay đổi. Có như thế mới là người cha, người mẹ thông minh, hiện đại!