Những vấn đề tâm lý trẻ em thường gặp
Hiện tại các bậc cha mẹ còn khá e dè khi đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa tâm lý. Đối diện với các vấn đề của con trẻ, ở cha mẹ còn có cái nhìn nhận khá cực đoan bởi chính cái suy nghĩ của người lớn về con trẻ “ăn chứa no, lo chưa tới” thì có gì mà phải lo lắng, buồn bã? Mặt khác, các bậc cha mẹ lại có sự liên tưởng khám tâm lý là đi khám tâm lý tâm thần, “khùng-điên”.
Trong thực tế, trẻ em cũng như người lớn sức khỏe tâm thần là yếu tố cần phải được quan tâm. Bởi một xã hội càng hiện đại thì có nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý dẫn đến rối loạn trong sinh hoạt, học tập, thậm chí còn gây ra những cơn đau về thể chất. Ở mọi lứa tuổi, các yếu tố gia đình, bạn bè, học đường là trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề ảnh hưởng tâm lý.
Có nhiều chứng bệnh tâm lý ở trẻ em hiện nay. Tuy nguyên nhân có thể từ nhiều phía nhưng chủ yếu vẫn đến từ cách giáo dục, môi trường sống hoặc tác động từ những yếu tố có nguồn gốc từ chính người lớn.
Các bệnh tâm lý thường gặp ở trẻ em
Rối loạn lo âu: Bé bị bệnh rối loạn lo âu có biểu hiện là bé dễ bị sợ hãi, lo âu, khóc hoặc hét lên khi đối diện những vật hoặc sự việc nhất định. Hoặc trẻ có thể có những dấu hiệu liên quan đến thể chất như tim đập nhanh hoặc đổ mồ hôi liên tục.
Hội chứng tăng động giảm chú ý: Hội chứng tăng động giảm chú ý là căn bệnh tâm lý ở trẻ em có tính chất phổ biến hiện nay. Biểu hiện của chứng bệnh này là trẻ thường vận động một cách bất thường, ít hoặc không có khả năng chú ý hay tập trung. Trẻ rất dễ chán, thất vọng với những việc hoặc tình huống nhất định. Nhiều trẻ thường không nghe lời người lớn, không tập trung, không giao tiếp và có xu hướng di chuyển liên tục.
Rối loạn ăn uống: Đây cũng là chứng bệnh tâm lý của trẻ em khá thường gặp. Trẻ mắc chứng bệnh này thường có biểu hiện là không ăn và không hợp tác khi bị ép ăn, thường có những cảm xúc hay thái độ chống đối mạnh mẽ đối với thức ăn. Trẻ dường như không có hứng thú với thức ăn, kể cả những thứ quà vặt mà bình thường chúng rất yêu thích.
Rối loạn khả năng học tập và giao tiếp: Trẻ mắc chứng rối loạn khả năng học và giao tiếp thường gặp vấn đề về phát âm, khả năng trình bày ý kiến và suy nghĩ. Chúng rất khó học những điều mới và gặp khó khăn trong việc xử lý bất kì thông tin mới nào. Chúng cũng không có khả năng tập trung, không nhớ và sợ hãi trong giao tiếp hàng ngày kể cả với người quen biết.
Rối loạn bài tiết: Đây là một chứng bệnh tâm lý ở trẻ em. Trẻ mắc hội chứng này thường không thể kiểm soát việc đi tiểu hiệu quả, dẫn đến chứng đái dầm. Việc này xuất phát từ việc trẻ không có khả năng làm chủ hay điều khiển dược cảm giác của mình.
Rối loạn cảm xúc: Rối loạn cảm xúc khiến trẻ không làm chủ được cảm xúc của mình, thường buồn kéo dài và mất hứng thú với mọi thứ xung quanh.
Rối loạn phát triển lan tỏa(RLPTK): Chứng bệnh này khiến trẻ em suy nghĩ lộn xộn và khó khám phá cũng như hiểu về thế giới chung quanh mình. Trẻ mắc bệnh này thường kém phát triển các kỹ năng cơ bản, chẳng hạn như giao tiếp hoặc tưởng tượng.
Tâm thần phân liệt: Tâm thần phân liệt là một căn bệnh tâm lý của trẻ em ở thể nghiêm trọng. Bệnh là sự rối loạn nghiêm trọng ở não gây ra các biến đổi một cách tiêu cực ở suy nghĩ dẫn đến những hành động, thể hiện tình cảm, nhận thức sự thật một cách bất thường. Trẻ bị tâm thần phân liệt thường không có sự phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác, không tự chủ cảm xúc và hành vi của mình.
Rối loạn vận động: Rối loạn vận động có thể chỉ là chứng bệnh tạm thời nhưng cũng gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng về cuộc sống của trẻ và gia đình. Biểu hiện thường là trẻ hay làm những động tác bất ngờ và vô nghĩa hoặc thốt ra âm thanh liên tục không kiểm soát được.
Rối loạn hành vi gây rối: Khi trẻ mắc hội chứng này, trẻ thường có hành động gây rối, phá bỏ mọi quy tắc, quấy phá ở những nơi như trường học, ở nhà và những nơi tụ tập đông người.
Tác hại khủng khiếp khi trẻ em mắc bệnh về tâm lý
Trẻ em khi mắc các bệnh về tâm lý thường gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, trí não, cảm xúc. Nếu nhẹ thì trẻ chỉ thường tự thu mình lại, buồn bã kéo dài, thường xuyên lo âu, sợ hãi một điều gì đó. Trường hợp nặng, trẻ có thể có hành vi khó kiểm soát, tự làm tổn thương chính mình, tự tử hoặc cố gắng tìm cách tự tử, tự hành hạ bản thân mình bằng nhiều cách.
Nếu không tác động và điều trị kịp thời có thể khiến trẻ bệnh trầm trọng hơn, trẻ chậm phát triển về nhận thức. Trẻ vị thành niên có thể hành động mất kiểm soát, sa vào các tệ nạn như ma túy hoặc rượu để giải tỏa cảm xúc. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ cũng như gia đình. Bệnh tâm lý ở trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất, trí não và nhận thức sau này.
Khi nào con nên khám tâm lý?
Cha mẹ chính là người nhận biết các vấn đề tâm lý của trẻ qua lắng nghe, quan sát. Việc cha mẹ dành thời gian tương tác, giao tiếp với con có một ý nghĩa quan trọng giúp tạo được tương quan tin tưởng, an toàn để con có thể chia sẻ những khó khăn của mình. Từ đó, phụ huynh có thể tinh tế nhận ra những biểu hiện thay đổi trong sinh hoạt, lời nói hay cảm xúc thay đổi tiêu cực, buồn phiền… ở trẻ. Ngoài ra, khi phụ huynh nhận ra tương tác giữa mình và trẻ không còn tốt và gây nên sự khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng là lúc gia đình cần tìm đến sự hỗ trợ của tâm lý gia.
Một khía cạnh quan trọng khác là những dấu hiệu rối loạn về phát triển ở trẻ. Các bất thường này thường xuất hiện ở trẻ lứa tuổi nhỏ như chậm nói, chậm các lĩnh vực phát triển tâm vận động… Đây có thể dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ và lời nói ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ sau này.
Những lưu ý khi đưa trẻ đến khám tâm lý
Việc thăm khám và đánh giá tâm lý luôn cần có ba mẹ hợp tác cùng tham dự để lắng nghe, thấu hiểu vấn đề của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính sẽ đóng vai trò quan trọng để cung cấp thông tin về trẻ cho các nhà tâm lý. Đối với các tiến trình tham vấn trị liệu tâm lý, ba mẹ cần hiện diện để cùng với trẻ như một nguồn lực hỗ trợ tích cực từ phía gia đình.
Thời gian Test – Khám tâm lý kéo dài 1h-2h đồng hồ nên cha mẹ sẽ phải sắp xếp công việc và đăng ký đặt lịch trước. Lưu ý khi đưa con đi khám cha mẹ phải giải thích rõ ràng với trẻ về việc đến để trò chuyện chứ không nên hù dọa trẻ theo kiểu “đi khám tâm lý-Tâm thần…” để trẻ có tâm trạng thật thoải mái và hợp tác.
Tại Dr PSY Việt Nam Bác sĩ – Chuyên gia tâm lý sẽ phối hợp cùng nhau để đánh giá, chẩn đoán và đưa ra hướng can thiệp cho trẻ. Những trẻ có vấn đề về cảm xúc như stress, lo âu, trầm cảm… sẽ được thảo luận cùng gia đình về kế hoạch can thiệp.