Rối Loạn Lưỡng Cực Là Gì?
Áp lực cuộc sống khiến số người bị bệnh rối loạn lưỡng cực ngày càng tăng. Người mắc chứng bệnh này khi thì chán nản, tuyệt vọng trong các hoạt động thường ngày, khi thì hưng phấn, phấn khích. Nếu như bệnh trầm cảm làm cho người bệnh luôn cảm thấy tồi tệ thì rối loạn lưỡng cực đẩy cảm xúc con người về 2 thái cực đối lập nhau.
Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh rối loạn tâm thần hay còn gọi là rối loạn hưng – trầm cảm, tình trạng tâm thần thay đổi thất thường khiến tâm trạng có thể đột ngột hưng phấn như phấn khích quá hoặc tăng động, nhiều lúc lại rơi vào trạng thái trầm cảm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn lưỡng cực
Bệnh rối loạn lưỡng cực sẽ xảy ra theo chu kỳ. Tâm trạng của người bệnh cũng sẽ thay đổi theo ngày, theo tuần, theo tháng hoặc theo mùa..
Dựa vào các dấu hiệu về cảm xúc
- Khi người bệnh ở trạng thái hưng cảm: bệnh nhân cảm thấy phấn khích tột độ, vui vẻ, lạc quan một cách quá độ. Luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng, hạnh phúc, suy nghĩ tích cực…
- Khi ở trạng thái trầm cảm: người bệnh cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, hay khóc không rõ lý do, tinh thần trì trệ…
Dựa vào các dấu hiệu về hành vi
Ở trạng thái rối loạn lưỡng cực hưng cảm như sau:
- Bệnh nhân sẽ ăn uống nhiều hơn
- Hoạt động nhiều hơn để tiêu hao năng lượng
- Khả năng quyết định suy giảm
- Người bệnh có thể nghe thấy giọng nói lạ hoặc nhìn thấy ảo giác
- Cảm xúc hân hoan không phù hợp
- Tăng ham muốn tình dục
Ở trạng thái trầm cảm:
- Người bệnh sẽ ăn ít đi
- Lười vận động
- Không thích giao tiếp với cộng đồng
- Suy nghĩ nhiều về cái chết hoặc muốn tự tử
Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực
- Do duy truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn bị rối loạn lưỡng cực, bạn có nhiều khả năng phát triển tình trạng này hơn những người khác .
- Do Bộ Não: Cấu trúc não của bạn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Những bất thường trong cấu trúc hoặc chức năng của não có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Do yếu tố môi trường: Không chỉ những gì trong cơ thể bạn mà các yếu tố bên ngoài cũng có thể góp phần gây bệnh. Những yếu tố này có thể bao gồm: Căng thẳng quá mức từ cuộc sống, công việc hoặc trải qua 1 sự kiện đau đớn.
Điều trị rối loạn lưỡng cực
Bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực không thể chữa khỏi hoàn toàn. Sau khi được khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực, người bệnh có thể được yêu cầu làm các xét nghiệm máu, hoặc các xét nghiệm khác để chắc chắn người bệnh có những triệu chứng đang mắc không phải là do một bệnh lý nào khác gây ra.
Khi có kết quả, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chứa lithium để giúp người bệnh cân bằng cảm xúc. Thêm vào đó, người bệnh sẽ được theo dõi liên tục trong thời gian dài để ngăn ngừa tái phát rối loạn lưỡng cực hưng cảm hoặc trạng thái trầm cảm. Người bệnh sẽ có thể phải uống lithium suốt đời nếu bệnh trở nặng.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ dùng các liệu pháp tâm lý để giúp người bệnh điều trị rối loạn hành và cách kiểm soát suy nghĩ của bản thân. Người bị bệnh rối loạn lưỡng cực cần có chế độ sinh hoạt hợp lý: ngủ đủ giấc và cố định theo giờ, không mặc cảm tự ti với xã hội, tham gia các hoạt động xã hội, tránh xa các chất kích thích như cà phê, bia , rượu…
Phân biệt rối loạn lưỡng cực và bệnh trầm cảm
Để điều trị hiệu quả, cần chẩn đoán chính xác rối loạn lưỡng cực. Việc phân biệt rối loạn lưỡng cực và trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm của rối loạn lưỡng cực là rất cần thiết vì 2 bệnh này khác nhau về di truyền, gốc lâm sàng, kết quả, và điều trị.
Bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực sẽ rất khó để chẩn đoán nếu bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm và không có những biểu hiện hưng cảm hoặc phấn khích.
Một số người bị rối loạn lưỡng cực cũng sẽ trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, nói cách khác là tâm trạng “xuống”. Khi bạn trải qua một sự thay đổi “xuống” trong tâm trạng, bạn có thể cảm thấy thờ ơ, không có động lực và buồn bã.
Mặc dù chứng bệnh có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, nhưng nó không giống với tình trạng được gọi là bệnh trầm cảm. Chứng bệnh có thể gây ra mức cao và mức thấp, nhưng trầm cảm khiến tâm trạng và cảm xúc luôn trong trạng thái đi xuống.
Sống chung với rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm thần mãn tính. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ sống và đương đầu với nó trong suốt quãng đời còn lại của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể sống một cuộc sống vui vẻ, lành mạnh.
Điều trị có thể giúp bạn kiểm soát những thay đổi trong tâm trạng và đối phó với các triệu chứng. Ngoài bác sĩ chính của bạn, bạn có thể muốn tìm một bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Thông qua liệu pháp trò chuyện, các bác sĩ có thể giúp bạn đối phó với các triệu chứng của bệnh mà thuốc không thể giúp được.
Tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp với bạn đòi hỏi sự kiên trì. Tương tự, bạn cần kiên nhẫn với bản thân khi học cách quản lý chứng rối loạn lưỡng cực và dự đoán những thay đổi trong tâm trạng của mình. Cùng với nhóm chăm sóc của mình, bạn sẽ tìm ra cách để duy trì một cuộc sống bình thường, hạnh phúc và khỏe mạnh. Bạn cần gặp Bác sĩ/Chuyên gia tâm lý để tìm hiểu rõ bệnh tình và có thể nhận được lời khuyên chính xác nhất.