Trầm cảm nhẹ có tự khỏi được không?
Đôi khi trầm cảm nhẹ không phải một rối loạn tâm thần, mà chỉ là phản ứng bình thường trước biến cố trong cuộc sống hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng, nhiều người thắc mắc trầm cảm nhẹ có cần chữa hay trầm cảm nhẹ có tự khỏi được không?
1. Biểu hiện trầm cảm nhẹ
Bệnh trầm cảm mức độ nhẹ chỉ là giai đoạn mới chớm, nên sẽ không có tất cả các triệu chứng trầm cảm điển hình. Để chẩn đoán bạn có mắc trầm cảm hay không, bác sĩ phải dựa vào ít nhất một trong hai triệu chứng sau:
- Luôn có tâm trạng buồn bã, ủ dột, mệt mỏi, không cười, có hoặc không hay khóc.
- Không có động lực trong cuộc sống, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả sở thích trước đây.
Ngoài các triệu chứng trên, người mắc trầm cảm nhẹ cũng có thể biểu hiện một số triệu chứng khác liên quan, chẳng hạn như:
- Ngủ không ngon, ngủ chập chờn hoặc hay mơ thấy ác mộng
- Thay đổi khẩu vị bất thường
- Thường xuyên mệt mỏi
- Dễ bị kích động
- Cử động chậm chạp
- Không thể giải quyết các vấn đề nhỏ trong cuộc sống
- Khó tập trung
- Luôn tự vấn bản thân, thất vọng về chính mình và cảm thấy bản thân có lỗi
- Có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
2. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm nhẹ
Có nhiều lý do làm bộc phát trầm cảm nhẹ, tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân điển hình sau:
- Sang chấn tâm lý
Tâm lý có thể bị sang chấn do cú sốc tình cảm, vừa bị sa thải hoặc phá sản, mâu thuẫn gia đình, đồng nghiệp,… khiến bạn cảm thấy quá căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống. Sang chấn tâm lý ở trẻ em có thể đến từ những rắc rối trong trường học, mối quan hệ với bạn bè và thầy cô, cũng như áp lực thi cử và kỳ vọng gia đình. Người trẻ khi mới bước vào đời cũng dễ bị ảnh hưởng tâm lý do bỡ ngỡ trước thực tế cuộc sống hiện đại khắc nghiệt.
- Sử dụng chất gây nghiện, kích thích
Các chất gây nghiện (rượu, bia, thuốc lá, ma túy) đều gây kích thích, hưng phấn và sảng khoái tạm thời. Tuy nhiên, hệ lụy chính là tác động tiêu cực đến hệ thần kinh. Sử dụng lâu ngày sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, trí lực giảm sút, tạo ra cảm xúc ức chế trong cuộc sống hàng ngày.
- Bệnh thực thể ở não
Người bị viêm màng não, u não,… do tai nạn hoặc chấn thương đều có nguy cơ bị trầm cảm. Khi cấu trúc não bị tổn thương, bạn có thể bị rối loạn về tâm trạng và cảm xúc, khả năng chịu áp lực kém, không thể bình tĩnh xử lý những chuyện nhỏ.
3. Trầm cảm nhẹ có tự khỏi được không?
Trả lời cho câu hỏi bị trầm cảm nhẹ có cần chữa không, các chuyên gia tâm lý cho biết nếu kiên trì điều trị, trầm cảm nhẹ có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc, hoặc ít nhất các triệu chứng sẽ có xu hướng lắng xuống.
Tuy nhiên nếu chủ quan, trầm cảm nhẹ rất dễ tiến triển nặng hơn theo thời gian và sẽ tái phát nhiều lần, buộc người bệnh phải liên tục đấu tranh trong một “trận chiến dài hơi”. Ngoài tâm trạng buồn bã, trầm cảm còn ẩn chứa nhiều nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống. Là yếu tố nguy cơ làm bộc phát hoặc khiến cho các bệnh lý khác trở nên tồi tệ hơn, như bệnh vặt, bệnh dạ dày, đường ruột, tim mạch, huyết áp,…
Do đó nếu cảm thấy bản thân có những dấu hiệu bất ổn, điều bạn cần làm trước tiên là đến bác sĩ thăm khám và tư vấn. Cần bỏ qua tâm lý ngại ngùng, nghĩ bản thân mình dị biệt, bởi thực tế đây là căn bệnh “thời đại” với số lượng người mắc đang ngày càng gia tăng đến mức báo động. Bác sĩ sẽ lắng nghe, chia sẻ, gợi mở để giúp bạn phát hiện bệnh trầm cảm từ giai đoạn sớm.
Sau khi chẩn đoán trầm cảm nhẹ, bác sĩ thường động viên người bệnh tập thể dục đều đặn, thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, suy nghĩ tích cực,… Nếu vẫn chưa có kết quả khả quan, bạn sẽ được kê đơn thuốc để sử dụng trong một thời gian, kết hợp với trị liệu tâm lý.
Đối với người thường xuyên gặp căng thẳng hay có cuộc sống buồn chán, có thể đề phòng trầm cảm nhẹ bằng cách sống chậm và đơn giản hóa mọi vấn đề, sống yêu thương, kết hợp với ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục. Khi nghi ngờ mắc bệnh trầm cảm cần khám đúng chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.