Bạo lực học đường là gì?
Bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối cho xã hội, nhà trường và gia đình, là thách thức ngày càng trầm trọng tại nhiều nước trên thế giới. Bạo lực học đường không dừng lại ở những tác động vật lý lên cơ thể người khác, nó bao gồm các hành vi bạo hành cả về tâm lý, tinh thần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ. Vậy bạo lực học đường là gì? Tính nghiêm trọng như thế nào?
Bạo lực học đường là gì?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 2 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP, bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành; làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể, sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm, tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn học trong các tổ chức, cơ sở giáo dục.
Đây là một hiện tượng đáng lo ngại, ngày càng lan rộng, có cách thức phức tạp và gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của học sinh không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Nhiều người cho rằng bạo lực học đường để chỉ những hành động tác động nghiêm trọng đến thân thể người khác nhưng không dừng lại ở đó, nó bao gồm việc lăng mạ, bắt nạt học sinh, nghiêm trọng hơn là bạo lực với giáo viên. Hành động này thực hiện trên thực tế và cả ở môi trường mạng, gây ra hậu quả lâu dài về tinh thần cho các nạn nhân.
Bạo lực học đường bao gồm 2 yếu tố chính là bạo lực và học đường. Trong đó bạo lực là cụm từ để chỉ việc sử dụng sức mạnh thể chất thực hiện các hành vi thô bạo, đánh đập, xúc phạm, vi phạm quy tắc và chuẩn mực xã hội với người khác gây nên tổn thương cả về tinh thần và thể chất. Học đường là môi trường quan trọng nơi giáo viên, học sinh tiếp xúc với kiến thức, kỹ năng, được đào tạo về giáo dục, văn hóa và xã hội. Đây là nơi rèn luyện cho học sinh về các mặt như kiến thức, kỹ năng, đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có thể từ yếu tố chủ quan hoặc khách quan, cụ thể:
Từ các em học sinh:
- Bước vào giai đoạn dậy thì từ 12 – 17 tuổi trẻ có những biến đổi nhất định về thể chất, tâm lý. Giai đoạn này trẻ học hỏi để hình thành tính cách, tâm lý trẻ nhạy cảm và có nhiều bất ổn. Bởi vậy khi chịu kích thích hay tác động từ các đối tượng xấu hay nhân tố độc hại trẻ dễ dàng học theo, hình thành tâm lý bắt nạt bạn bè.
- Đặc điểm tâm lý lứa tuổi chính là 1 trong những nguyên nhân phổ biến làm hình thành bạo lực học đường. Nếu không có những biện pháp tác động hữu hiệu, giai đoạn dậy thì nhiều trẻ gây ra những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng.
Từ phía gia đình:
- Gia đình cũng được xem là một trong nguyên nhân phổ biến làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, gây ra bạo lực học đường.
- Gia đình cha mẹ giáo dục con bằng tác động vật lý hoặc lời nói nặng nề.
- Gia đình bạo lực, phụ huynh thường xuyên cãi cọ, mâu thuẫn, có hành vi ứng xử không phù hợp.
- Phụ huynh thiết sự quan tâm, giám sát trẻ dẫn đến trẻ không hoàn thiện tích cách tích cực, tâm lý yêu thương với người khác.
- Gia đình không tôn trọng con cái, trẻ cảm thấy bản thân không được yêu thương, không có giá trị.
- Cha mẹ thường xuyên bị căng thẳng trong công việc và cuộc sống nên bạo hành chính con mình.
Từ phía Nhà Trường:
- Mô hình giáo dục của nhà trường chưa đúng cách, chưa có hiệu quả, mang quá nhiều tính hàn lâm nhưng bỏ qua các tổ chức các hoạt động ngoại khóa hay chú tâm vào giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho các em.
- Mặt khác, còn có một số trường có xu hướng chạy theo thành tích dẫn đến việc bao che cho các hành vi bạo lực, không làm gương, răn đe học sinh của mình khiến hiện tượng bạo lực học đường ngày càng phổ biến.
Từ phía Xã Hội:
- Môi trường sống xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và các hành xử của các em, nhất là trong độ tuổi mới lớn (12 đến 17 tuổi) đầy nhạy cảm. Vậy thì vấn đề từ xã hội là như thế nào?
- Đó là việc trẻ bị ảnh hưởng bởi các văn hóa bạo lực trong phim ảnh, sách báo, game có xu hướng bạo lực. Những hình ảnh không qua kiểm duyệt đầy rẫy trên mạng khiến cho các đối tượng tuổi vị thành niên tò mò và khám phá, từ đó sinh ra xu hướng bạo lực với bạn học ở ngoài đời thực.
Biểu hiện khi trẻ bị bạo lực học đường
Việc trẻ trở nên bạo lực, bắt nạt người khác không phải là hành động dũng cảm để cha mẹ cổ vũ, động viên. Bạo lực là tâm lý bất ổn, có thể khiến trẻ trở nên mất kiểm soát hành vi, ảnh hưởng đến học tập và tương lai sau này. Do đó, ngoài việc bảo vệ con để không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường phụ huynh cũng cần quan sát biểu hiện của trẻ là người bạo lực.
Trường hợp phát hiện con mình là người bạo lực học đường cha mẹ nên bình tĩnh xem xét nguyên nhân, có hành động, biện pháp phù hợp để ngăn chặn hành vi sai trái. Trẻ là người bạo lực học đường có thể có những dấu hiệu sau:
- Trẻ thân thiết với những người bạn bạo lực học đường
- Trẻ lo lắng bị trả thù từ bạn bè, gia đình của nạn nhân
- Trẻ trở nên hung hăng, cáu kỉnh, bắt nạt bạn bè khác
- Trẻ thường xuyên phạm lỗi và bị kiểm điểm, trách phạt
- Trẻ không chịu trách nhiệm về hành động của mình, có xu hướng đổ lỗi cho người khác
- Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi bạo lực, dễ tham gia vào các mâu thuẫn bằng lời nói hoặc thể xác
- Trẻ có tiền, có đồ dùng mới mà không giải thích được lý do
Hậu quả của bạo lực học đường
Vấn nạn bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở đời thực mà còn xuất hiện trên mạng trực tuyến gây ra tình trạng báo động trên toàn cầu. Trong những năm gần đây tỷ lệ bạo lực học đường có xu hướng ngày càng gia tăng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo nhiều khảo sát cho thấy lứa tuổi từ 10 – 18 tuổi có nguy cơ cao và phần lớn nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến, 64% học sinh từng bị bắt nạt trong đó 40% học sinh không báo cáo để được hỗ trợ giải quyết hậu quả.
Hậu quả của bạo lực học đường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hiện tại của học sinh và cả tương lai sau này. Chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc các mặt tối mà bạo lực học đường gây ra.
Không dừng lại ở hậu quả tới môi trường giáo dục, nhà trường, bạo lực học đường còn làm ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống, chuẩn mực đạo đức. Những học sinh bạo lực thường không tuân thủ quy tắc, thiếu sự tôn trọng với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. Thậm chí những đứa trẻ này còn cãi lại cha mẹ vì thói quen bạo lực của mình.
Xung đột, bạo lực xảy ra giữa những học sinh, giữa học sinh với thầy cô giáo hay giáo viên với học sinh tạo nên môi trường căng thẳng. Mỗi ngày nhiều người sẽ phải chứng kiến những cuộc ẩu đả, những từ ngữ, lời nói xúc phạm, bôi nhọ người khác. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo nên một bộ phận người sống trong xã hội không còn duy trì giá trị truyền thống tốt đẹp. Những hành vi xấu đã và đang tạo nên sự suy đồi đáng báo động về đạo đức, hành vi, gây mất trật tự xã hội, làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Cần tránh những hậu quả đáng tiếc mà bạo lực học đường gây ra, cha mẹ cần quan tâm và đồng hành cùng trẻ. Nếu trẻ đang có những dấu hiệu như trên cha mẹ hãy động viên, chia sẻ, giúp trẻ ổn định tâm lý hoặc gặp Chuyên gia tâm lý tránh trường hợp xấu nhất sảy ra với con em chúng ta.