Những điều quan trọng cha mẹ nên làm cho con
Bậc làm cha làm mẹ, với tình yêu thương vô bờ bến ai cũng mong muốn, hy vọng con của mình lớn lên thông minh, giỏi giang và ngoan ngoãn. Tuy nhiên, không phải đáp ứng mọi tiện nghi trong cuộc sống là sẽ mang đến cho con môi trường phát triển tốt. Điều quan trọng hơn cả là cách giáo dục của cha mẹ với con đã thực sự đúng và phù hợp hay chưa.
Có nhiều cách giáo dục vô cùng quan trọng mà cha mẹ nên làm cho con để giúp họ phát triển và trở thành người trưởng thành có ý thức và thành công trong cuộc sống. Dưới đây là một số điều quan trọng mà cha mẹ nên xem để áp dụng dạy con trở nên tốt hơn:
Yêu thương và quan tâm
Yêu thương và quan tâm của cha mẹ là nền tảng quan trọng để xây dựng sự tự tin và tình cảm bền vững cho con. Hãy thể hiện tình yêu thương của bạn bằng cách dành thời gian chất lượng cho con và lắng nghe họ khi họ cần nói chuyện.
Dạy con biết nói “không” đúng lúc
Với đa số người Việt Nam, chuyện trẻ nói “không” khi người lớn yêu cầu làm một điều gì thường bị đánh đồng với việc không nghe lời, khó bảo, thậm chí hỗn láo. Tuy nhiên, khoa học đã nghiên cứu, những đứa trẻ có xu hướng luôn luôn vâng lời khi lớn lên thường rụt rè, nhút nhát, ít khi lên tiếng đưa ra ý kiến và bảo vệ bản thân mình.
Thế nên, việc dạy trẻ biết nói “không” đúng lúc là chìa khóa để con biết đưa ra lời từ chối với những yêu cầu khiến con không thoải mái hoặc sai trái. Ngoài ra, biết cách từ chối còn giúp con tránh được các mối nguy hiểm trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu hay lời khích bác của bạn bè.
Khi con nói “không” trước yêu cầu của cha mẹ, đừng vội quy kết con không nghe lời, hỗn láo hay mắng mỏ con. Hãy bình tình ngồi xuống và nói chuyện với con về nguyên nhân con từ chối yêu cầu, cảm xúc của con và cùng con tìm ra cách giải quyết tốt nhất.
Dù ở độ tuổi nào, con của bạn cũng vẫn là một cá thể độc lập, con không thể lúc nào cũng tuân theo tất cả mệnh lệnh hay yêu cầu của người lớn. Việc trẻ có suy nghĩ và tiếng nói riêng là một yếu tố rất quan trọng trong hành trình phát triển của con.
Giúp con hiểu kiến thức quan trọng hơn điểm số
Không ít các bậc cha mẹ nổi giận và trách phạt con khi điểm số học tập của con không được như kỳ vọng, tức giận vì con không được điểm cao như bạn bè, thất vọng khi đầu tư nhiều tiền bạc nhưng kết quả con đạt được chưa đủ tốt… Từ cảm xúc tức giận ấy, cha mẹ dễ có những lời nói và hành vi tiêu cực đối với con.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh một đứa trẻ luôn đạt điểm số tốt chưa hẳn sẽ thành công trong tương lai. Cha mẹ nên nhìn vào cả quá trình con học tập để đánh giá con thay vì những con số trên trang giấy. Kiến thức mà con tiếp thu được không phải lúc nào cũng đi đôi với điểm số con đạt trong bài kiểm tra.
Hơn nữa, việc đặt nặng áp lực điểm số lên con khiến con cảm thấy áp lực và dễ nảy sinh những hành vi tiêu cực như quay cóp, chép bài… Con tìm mọi cách đạt được điểm cao để không bị trách mắng mà thực tế lại không tiếp thu được kiến thức. Điểm số tuy quan trọng, nhưng sự cố gắng của con trong quá trình học tập lại càng quan trọng hơn.
Giải thích cho con hiểu
Trong thời buổi bận rộn hiện nay, rất nhiều bậc cha mẹ với những nỗi lo cơm áo gạo tiền không thể dành quá nhiều thời gian cho việc dạy dỗ con cái. Khi thấy con làm sai, nhiều cha mẹ phản ứng bằng cách nói “không”, cấm con lần sau không được làm như vậy.
Thế nhưng, có lẽ cha mẹ đã quên mất việc cần giải thích cho con hiểu: tại sao việc đó lại không đúng, tại sao con không nên làm như vậy… Khi bị mắng, con sẽ có tâm lý ấm ức, nhất là khi không nhận được lời giải thích. Con của bạn sẽ không học được điều gì qua sai lầm ấy cả. Vì đơn giản, con chưa hiểu tại sao.
Khi con làm sai, cha mẹ hãy giữ bình tình và nhẹ nhàng giải thích cho con về hành động của mình. Trẻ sẽ hiểu và rút ra được bài học cho bản thân tốt hơn vào lần sau.
Dạy con cách đối diện với sai lầm
Tất cả chúng ta, kể cả những người làm cha mẹ cũng có không ít lần từng mắc sai lầm trong đời. Vậy nên, con của bạn cũng vậy. Con có quyền mắc lỗi để trưởng thành khi học hỏi kinh nghiệm từ chính những sai lầm của bản thân.
Đừng trách phạt con khi bé mắc lỗi, thay vào đó, cha mẹ hãy khuyên bảo bé tại sao không nên làm như vậy và cách tránh những sai lầm tương tự trong tương lai… Điều này sẽ rất hữu ích cho con suốt chặng đường trưởng thành sau này.
Tuy nhiên, nếu con thường xuyên lặp lại những sai lầm đã được nhắc nhở, cha mẹ hãy đưa ra hình thức kỷ luật đúng mức cho con để con có thể phát triển đúng hướng. Cha mẹ hãy chú ý khi con nhắc nhở con, cho dù là những sai lầm nhỏ. Vì mỗi hành động nhỏ dần dần sẽ tạo thành thói quen lớn của trẻ.
Cho con không gian tự do
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ quá kèm cặp và theo sát sẽ giảm khả năng độc lập, thụ động và khó thích nghi khi thay đổi môi trường sống. Ngoài ra, việc kèm cặp con quá mức còn có thể gây ra phản ứng “ngược”, trẻ dễ trở nên bướng bỉnh, “nổi loạn” để thoát khỏi sự quản lý của cha mẹ.
Dù có yêu thương con đến đâu, cha mẹ nên nhớ con của bạn sớm hay muộn cũng cần trưởng thành và độc lập trong cuộc sống. Cha mẹ nên là người định hướng con trong cuộc sống thay vì quản lý trẻ quá chặt. Cha mẹ có thể tập cho con thói quen tự lập và tự đưa ra quyết định, bắt đầu từ những việc nhỏ trong cuộc sống.
Việc dành quá nhiều thời gian trong ngày để kèm cặp con không chỉ gây mệt mỏi cho cha mẹ mà cũng khiến trẻ không thoải mái. Cha mẹ hãy cùng thống nhất với con về những hoạt động con có thể tự quyết định, những khoảng thời gian con có thể giải trí hay vui chơi và những khoảng thời gian con cần ở cùng với gia đình…
Khuyến khích con đặt câu hỏi
Dễ dàng nhận thấy, trong các lớp học thông thường tại Việt Nam, hầu hết học sinh không đứng lên đặt câu hỏi khi chưa hiểu bài hay muốn làm rõ hơn kiến thức. Điều này do thói quen từ nhỏ của con tại cả gia đình và nhà trường.
Cha mẹ hãy khuyến khích con mạnh dạn đưa ra câu hỏi khi con nghe không rõ, không hiểu… để nhận được lời giải thích cặn kẽ rõ ràng nhất. Điều này không chỉ giúp con hiểu bài hơn trong quá trình đi học mà còn tạo cho bé sự tự tin, mạnh dạn. Ngoài ra, khuyến khích con đặt câu hỏi còn giúp con nhanh chóng tiếp thu và hứng thú tìm hiểu với mọi thứ, con sẽ phát triển năng động và bắt nhịp tốt với môi trường xung quanh.
Dạy con thói quen quản lý tài chính
Một thiếu sót trong giáo dục trẻ tại Việt Nam là cả gia đình và nhà trường đều hiếm khi dạy trẻ cách chi tiêu. Nhiều phụ huynh coi việc hướng dẫn con quản lý tài chính là không quan trọng, dẫn đến tình trạng nhiều thanh thiếu niên khi bắt đầu bước vào cuộc sống tự lập gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối chi tiêu.
Cha mẹ nên dạy con thói quen chi tiêu hợp lý từ nhỏ. Đến khi con học lớp 3 đến lớp 5, cha mẹ có thể thưởng cho con một số tiền tiêu vặt nhỏ khi con hoàn thành tốt bài tập hay công việc nhà. Điều này vừa giúp con làm quen với chi tiêu một cách lành mạnh, vừa giúp con biết quý trọng sức lao động của bản thân mình.
Kỹ năng tài chính là một kỹ năng mềm rất quan trọng trong cuộc sống. Cha mẹ nên hướng dẫn con chi tiêu hợp lý từ nhỏ để trẻ dần làm quen với việc quản lý tài chính cá nhân sau này.
Dạy con yêu thương và tự tin vào bản thân mình
Ở Việt Nam, giáo dục cảm xúc cho con trẻ là một khái niệm mới mà nhiều bậc cha mẹ chưa thể hiểu hết. Tuy nhiên, giáo dục cảm xúc cho con đôi khi còn quan trọng hơn cả giáo dục tri thức. Nếu không được giáo dục đúng cách từ nhỏ, con có thể lớn lên với tâm lý lệch lạc, luôn tự ti, thậm chí ghét bỏ chính con người mình.
Sự tự tin là tổng hợp những cảm xúc tốt đẹp về chính bản thân mình. Từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên nói yêu con, khen ngợi con mỗi khi con làm việc tốt. Những đứa trẻ rất nhạy cảm với lời khen ngợi: con đặc biệt, con đáng quý… Cha mẹ cũng nên dạy con phải biết yêu thương, trân trọng bản thân mình.
Điều này sẽ giúp con xây dựng sự tự tin, lòng can đảm và những cảm xúc tích cực về bản thân sẽ theo con suốt cuộc đời. Và chỉ khi con biết yêu thương chính mình thì con mới có có thể “yêu thương người khác”.