Trẻ chậm nói nguyên nhân do đâu?
Xưa trẻ 3 tuổi chưa biết nói được coi là việc “bình thường” và cứ “kệ” lớn hơn trẻ cũng tự biết nói. Đó cũng là cơ chế tự nhiên trong việc bắt chước, học tập và sử dụng ngôn ngữ của loài người.
Nhưng đó là câu chuyện của 20 – 30 năm về trước, còn xã hội hiện đại bây giờ trẻ chậm nói được xem là dấu hiệu và nguy cơ “bất bình thường” trong việc sử dụng ngôn ngữ. Vậy phải chăng môi trường và phương pháp dạy con đã ảnh hưởng thế nào đến việc tập cho trẻ học nói?
Trẻ chậm nói do đâu?
Nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ chậm phát triển khả năng nói và ngôn ngữ, nhưng chúng ta có thể chia thành 3 nguyên nhân chính:
- Nguyên nhân bệnh lý: Có thể do trẻ gặp vấn đề ở cơ quan phát âm như tai, mũi, họng (chẳng hạn như mất thính lực,…); hoặc cơ quan chỉ huy gặp vấn đề (não bị dị tật bẩm sinh, bại não, những di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não…).
- Nguyên nhân tâm lý: Có thể do bé được cưng chiều hoặc bỏ bê quá mức, hoặc một biến cố nào đó xảy ra,… làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trẻ chậm nói do nguyên nhân tâm lý đang ngày càng gia tăng. Điều này có thể do nguyên nhân cuộc sống hiện đại bận rộn khiến các bậc phụ huynh bị cuốn mình theo công việc nên không có nhiều thời gian với con cái.
- Rối loạn phổ tự kỷ: Chậm nói là một trong những dấu hiệu khá điển hình của hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ chậm nói cũng là tự kỷ. Tự kỷ là một dạng bệnh lý của não bộ vì có xuất hiện rối loạn phát triển thần kinh do có những gen bất thường.
Các mốc phát triển bình thường của trẻ
Mốc phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ từ 4 – 36 tháng tuổi.
- Từ 4 – 6 tháng tuổi: Mẹ có thể nghe thấy những âm thanh ríu rít khi chơi đùa cùng con. Trẻ bắt đầu bập bẹ và đôi khi phát ra những âm thanh như thể con đang tiếp chuyện với mọi người.
- Từ 7 – 12 tháng tuổi: Bé có thể bập bẹ một số từ đơn giản như “ma ma”, “ba ba”…. Đây là những từ phổ biến nhất mà những đứa trẻ có thể phát ra đầu tiên; bập bẹ khoảng 4 âm tiết hay nhiều hơn giống câu ngắn mà không có từ thực sự.
- Từ 13 – 18 tháng tuổi: Trẻ còn có thể chỉ vào tranh bằng một ngón tay; dùng nhiều phụ âm (p,b,m,n,h); lấy được các đồ vật nằm trong tầm nhìn; có thể hiểu hơn 50 từ; giảm cử chỉ dùng lời nói nhiều hơn để giao tiếp…
- Từ 19 – 24 tháng tuổi: Con có thể kết hợp 2 từ với nhau để tạo thành một câu đơn giản như “ôm con, bế con…”. Khi bé 2 tuổi, con có thể sử dụng được những câu đơn giản gồm 2-4 từ.
- Từ 25 – 36 tháng tuổi: Vốn từ vựng của bé được mở rộng liên tục và bé có thể cảm nhận được tất cả những điều mẹ nói. Ở giai đoạn 3 tuổi, bé có thể giao tiếp lưu loát với mẹ trong một cuộc trò chuyện khá dài. Hơn nữa, nó có thể kết nối nhiều từ hơn để tạo thành câu dài.
Dưới đây là một số phương pháp mà nhiều mẹ mắc lỗi trong quá trình dạy dỗ khiến trẻ chậm nói hay nói ngọng:
1. Quá chiều con, không cho con có cơ hội được nói
Đây là lỗi tai hại của mẹ làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ, là nguyên nhân trẻ chậm nói. Ai cũng biết rõ, khi vốn từ vựng của bé chưa được hoàn thiện, nên để giao tiếp với mọi người xung quanh, con thường phải dùng hành động, cử chỉ để biểu đạt mong muốn của mình.
Khi muốn uống sữa hay muốn lấy bất cứ một thứ gì, trẻ sẽ tự tay mình chỉ hoặc sẽ cầm tay mẹ và hướng đến các đồ vật đó. Lúc đó, các mẹ sẽ hiểu được mong muốn của con và nhiều người đã không ngần ngại mà ngay lập tức đi lấy giúp con. Hành động này nếu lặp lại nhiều lần sẽ là nguyên nhân sâu xa khiến con chậm nói. Thay vì vội vàng giúp con, các mẹ nên gợi chuyện để hỏi con “con cần gì nào?”, “đó là cái gì nhỉ?”… Gợi câu hỏi cho con là một cách tốt để trẻ có phản ứng lại trước những lời nói của mẹ.
Việc chiều con, nhanh chóng đáp ứng mọi yêu cầu, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, mà còn tác động xấu đến tính cách của trẻ. Một khi con biết mọi yêu cầu của mình sẽ nhanh chóng được đáp ứng, chúng sẽ sinh ra nhiều yêu cầu và đòi hỏi, dễ hình thành thói phụ thuộc và lười vận động.
2. Cho trẻ xem tivi quá nhiều
Tivi, máy tính bảng, điện thoại hay mọi thiết bị truyền thông thông tin đều có một tác dụng đó là giúp trẻ học hỏi và tiếp thu được những điều mới lạ xung quanh cuộc sống. Không những vậy, các thiết bị này còn được nhiều mẹ biến thành “cô trông trẻ” hữu hiệu, bởi họ nhận thấy rằng mỗi khi cho bé ngồi xem tivi là y như rằng con sẽ ngoan ngoãn hơn. Và những lúc như vậy là thời điểm tốt để mẹ có thể yên tâm làm các công việc khác.
Tuy nhiên, nếu mẹ quá lạm dụng “cô trông trẻ” này thì sẽ khiến cho bé lười nói chuyện. Khi cho con xem Tivi, bé chỉ được tiếp nhận thông tin một chiều, bởi lúc đó bé chỉ con có cơ hội nghe nhưng lại không có cơ hội để nói. Không những ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ, việc xem tivi quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến mắt con không được khỏe, dễ dẫn đến tình trạng cận thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề học tập sau này.