Vì sao trẻ tự kỷ lại hay la hét? Cách khắc phục khi trẻ la hét
Tỉ lệ trẻ mắc tự kỷ (rối loạn phổ tự kỷ) trong những năm gần đây tăng lên đáng kể và bệnh trạng cũng phức tạp, đa dạng hơn trước. Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh với căn nguyên chưa rõ ràng nhưng phần lớn có liên quan đến yếu tố di truyền.
Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là bé trai và các triệu chứng khởi phát rất sớm. Trẻ mắc chứng bệnh này sẽ gặp phải các khiếm khuyết về tư duy, khả năng lập luận, chậm phát triển ngôn ngữ và thiếu tương tác xã hội. Trẻ có hành vi, sở thích mang tính rập khuôn và kỳ lạ. Hội chứng này sẽ kéo dài suốt đời nên gia đình cần có những hiểu biết về bệnh để có thể chăm sóc trẻ đúng cách.
Vì sao trẻ tự kỷ lại hay la hét?
Một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ tự kỷ là hay la hét, quấy khóc…Theo các bác sĩ/chuyên gia thì trẻ tự kỷ hay la hét thường liên quan đến những nguyên nhân như sau:
Do trẻ không nói được: Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt mong muốn và nhu cầu của bản thân. Khi không thể dùng lời nói để giao tiếp với mọi người sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Để giải tỏa sự buồn bực và khó chịu đó, trẻ sẽ bộc lộ ra ngoài bằng một số hành vi tiêu cực như: La hét, ăn vạ, cáu gắt…
Do rối loạn giác quan: Hạn chế trong việc xử lý các thông tin về giác quan cũng là một vấn đề ở trẻ không may mắc chứng tự kỷ. Trong đó, những giác quan của trẻ sẽ nhạy cảm ở các thời điểm khác nhau và chỉ một yếu tố nhỏ như: Màu sắc, mùi, vị, âm thanh… cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, đau đớn hoặc căng thẳng quá mức. Điều này có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ như: La hét, cáu gắt và nặng hơn là tự làm đau bản thân.
Do rối loạn cảm xúc: Tình trạng la hét ở trẻ tự kỷ còn xuất hiện ở những trường hợp bị rối loạn cảm xúc. Chỉ một thay đổi nhỏ trong các hoạt động hàng ngày cũng làm trẻ cảm thấy sợ hãi, thất vọng hoặc cáu kỉnh. Những cảm xúc này khiến trẻ tự kỷ sinh ra các hành vi tiêu cực như: La hét, đập phá đồ đạc, làm tổn thương mình hoặc người khác…
Nhiều phụ huynh trẻ tự kỷ luôn cảm thấy bế tắc, bất lực khi con họ trở nên mất kiểm soát, la hét liên tục. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ la hét vì đó là những gì trẻ cần làm ngay lập tức để giải phóng căng thẳng và cảm xúc khi bị kích thích. Hiểu theo nghĩa đặc biệt, đây là cách trẻ tương tác với thế giới. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ điều này, bình tĩnh suy xét lại toàn bộ vấn đề, từ đó tìm ra hướng giải quyết.
Trẻ tự kỷ hay la hét còn do kết quả của việc bé không chịu được những tác động từ môi trường bên ngoài, do các tác động đó quá căng thẳng và quá sức chịu đựng của bé. Có thể là do môi trường ồn ào, có nhiều người qua lại khiến trẻ tự kỷ cảm thấy không thoải mái và bị bó buộc.
Khi bị tự kỷ, trẻ thường chỉ muốn sống trong thế giới riêng của mình, thích được chơi một loại đồ chơi duy nhất, và không có người lạ xen vào cuộc chơi của trẻ. Không như những đứa trẻ bình thường khác khi bị giật đồ chơi, bị làm phiền mà trẻ không muốn, trẻ sẽ nhanh chóng lấy lại đồ chơi đó và đẩy người bạn “không mời mà tới” ra ngoài, những trẻ tự kỷ lại có những chuyển biến, di chuyển chậm hơn nên thường món đồ chơi khi gắn bó đã lâu bỗng dưng bị “cướp” mất, bé sẽ la hét thật to lên như để tố cáo.
Cách khắc phục khi trẻ tự kỷ la hét thế nào?
Khi trẻ tự kỷ hay la hét, cha mẹ có thể xử lý như cố gắng chế ngự những cảm xúc của mình khi con lên cơn giận dữ. Tuyệt đối không được dùng bạo lực đối với trẻ, mà hãy chế ngự con bằng lời nói, bằng ánh mắt, bằng sự quan tâm của chính bố mẹ đối với con mỗi ngày một cách quyết đoán nhất có thể; Không được để bé lấn lướt lại bố mẹ, nếu không ăn vạ sẽ trở thành một thói quen và để đảm bảo an toàn thì bố mẹ nên hạn chế cho bé có cơ hội tức giận, la hét. Hay khi trẻ bắt đầu có biểu hiện bực bội, khó chịu hay la hét, bạn có thể đánh lạc hướng bằng một hoạt động mà trẻ thường thích làm. Mục đích là chuyển sự chú ý, giúp trẻ tập trung vào những điều vui vẻ, thoải mái và không quá kích thích.
Giúp trẻ bình tĩnh hơn: Bước đầu tiên bố mẹ cần thực hiện là giúp con bình tĩnh hơn. Bản thân trẻ bị tự kỷ chỉ muốn ở trong thế giới riêng của mình. Trẻ không có nhu cầu giao tiếp hay tương tác với bất kỳ ai. Mọi thay đổi trong cuộc sống (kiểu tóc, không gian phòng, thực đơn ăn uống,…) đều khiến trẻ không thể thích nghi, kết quả là gây ra cảm giác căng thẳng và khó chịu cực độ.
Quan sát kỹ để biết trẻ muốn gì?: Trẻ bị tự kỷ gặp hạn chế về ngôn ngữ và giao tiếp nên không thể nói với bố mẹ mong muốn, nhu cầu của bản thân. Sau khi trẻ đã bình tĩnh, bố mẹ cần quan sát kỹ để biết trẻ muốn gì.
Bản thân trẻ tự kỷ có giác quan vô cùng nhạy cảm nên bất cứ tác động nào từ môi trường cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Do đó, bố mẹ cần quan sát kỹ để biết được trẻ la hét để thể hiện điều gì, từ đó mới có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Tiến hành xử lý giúp trẻ ngừng la hét: Sau khi đã xác định được nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ hay la hét, bố mẹ cần tiến hành các bước xử lý để giúp trẻ ngưng hành vi này và xây dựng những thói quen lành mạnh hơn.