Viêm tai giữa ở trẻ có nguy hiểm?
Viêm tai giữa ở trẻ em thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và có thể gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến thính lực và sức khỏe tai mũi họng của trẻ. Vậy làm thế nào để nhận biết và điều trị căn bệnh này? Hãy cùng Dr PSY Vn theo dõi ngay những thông tin trong bài viết sau để hiểu thêm về bệnh viêm tai giữa ở trẻ em nhé!
Viêm tai giữa là gì?
Tai giữa là một khoảng trống nằm ở vị trí phía sau màng nhĩ. Viêm tai giữa xảy ra khi bộ phận này bị nhiễm trùng, do vi khuẩn hoặc virus tấn công. Tình trạng viêm nhiễm khiến tai giữa của trẻ bị tích tụ đầy mủ, từ đó làm tăng áp lực lên khoang màng nhĩ và khiến trẻ cảm thấy đau buốt tai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác của trẻ.
Viêm tai giữa chia thành 3 loại là viêm tai giữa cấp tính, mạn tính và viêm tai giữa ứ dịch. Căn bệnh này thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng cho đến 3 tuổi, thậm chí là tới khi trẻ 8 tuổi. Bệnh thường do những vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae (phổ biến nhất), Moraxella catarrhalis và Haemophilus influenzae gây ra. Bên cạnh đó, những yếu tố dưới đây cũng góp phần dẫn tới tình trạng viêm tai giữa ở trẻ:
- Hệ miễn dịch của bé còn yếu: nhiễm trùng tai có thể là hệ quả của việc trẻ bị cảm lạnh. Đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu không thể chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
- Cấu trúc tai chưa hoàn thiện: các loại xương thuộc phần tai giữa bao gồm xương đe (incus), xương búa (malleus) và xương bàn đạp (stapes). Chúng đều là những loại xương mỏng, hỗ trợ chức năng thính giác bằng cách tham gia vào nhiệm vụ truyền rung động âm thanh nhận từ màng nhĩ chuyển vào tai trong. Mê cung hình xoắn ốc trong tai trong có chức năng chuyển đổi âm thanh do tai giữa truyền vào thành các tín hiệu điện, giao cho dây thần kinh thính giác truyền tới não. Vòi nhĩ là một bộ phận giúp cân bằng áp suất không khí lưu thông ở tai giữa, là cầu nối liên kết với VA ở họng. Trong đó, VA gồm những mô lympho nằm gần vòi nhĩ, phía sau mũi có vai trò ngăn chặn nhiễm trùng ở họng miệng khi vi khuẩn xâm nhập. Ở trẻ em thì thường cấu trúc của tai chưa hoàn thiện. Trẻ có vòi nhĩ ngang và ngắn hơn nên các tác nhân gây bệnh dễ dàng len lỏi vào. Ngoài ra ống tai của trẻ cũng hẹp hơn nên chúng dễ bị tắc nghẽn. Sự phì đại của các mô lympho còn có thể chèn ép và cản trở vòi nhĩ hoạt động.
- Các yếu tố khác: tuổi tác (tuổi càng nhỏ nguy cơ viêm tai giữa càng cao), do dị ứng (viêm đường hô hấp trên), tiền sử gia đình nhiều người thân bị viêm tai giữa, mắc bệnh mạn tính (hen suyễn, xơ nang,…).
Những triệu chứng viêm tai giữa
- Đau tai: trẻ lớn hơn khi đã biết nói và bộc lộ cảm xúc thì sẽ báo với cha mẹ về triệu chứng này. Tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh thì rất khó để nhận biết. Khi đó trẻ thường sẽ quấy khóc nhiều, giật tai, dụi nhiều vào tai, cáu kỉnh.
- Khó chịu, chán ăn, ngủ kém: sự thay đổi về áp lực ở tai giữa khiến trẻ cảm thấy đau tai khi nuốt, từ đó trẻ sợ bú và lười ăn. Ngoài ra, trẻ còn khó chịu, bứt rứt, mệt mỏi và ngủ không ngon.
- Sốt: tình trạng nhiễm trùng còn kéo theo những cơn sốt, khiến thân nhiệt của trẻ tăng lên 38 – 39 độ C.
- Chảy dịch tai: dịch chảy ra từ tai trẻ có thể là màu trắng, nâu hoặc dịch vàng. Trẻ cần phải được kiểm tra ngay để xem liệu rằng trẻ có đang bị thủng màng nhĩ.
- Giảm thính lực: là biểu hiện tất yếu khi trẻ bị viêm tai giữa. Tín hiệu âm thanh truyền tải giữa các bộ phận của tai bị gián đoạn bởi nhiễm trùng nên khả năng nghe của trẻ sẽ giảm.
- Không dừng lại ở đó, nếu không điều trị thì viêm tai giữa có thể diễn tiến thành những biến chứng nghiêm trọng như thủng màng nhĩ, viêm mê đạo, giảm thính lực, viêm xương chũm cấp tính, huyết khối tĩnh mạch bên và xoang hang, áp xe não,…
Chẩn đoán và điều trị
- Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm tai giữa ở trẻ em, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng bao gồm khai thác thông tin về triệu chứng trẻ đang gặp phải, khám thực thể (bằng cách soi tai), đo phản xạ cơ bàn đạp, đo nhĩ lượng và hỏi về tiền sử bệnh lý của bé.
Ngoài khám tai thì những vùng khác của trẻ cũng cần được thăm khám, ví dụ như mũi xoang, cổ họng, vòm họng, kiểm tra nhịp thở nhằm xác định nguyên nhân và các triệu chứng nhiễm trùng ở đường hô hấp gây viêm tai giữa (nếu có).
2. Điều trị
Điều trị viêm tai giữa cho trẻ bằng thuốc:
- Đây là phương pháp được chỉ định phổ biến, có thể bao gồm các thuốc như: thuốc kháng histamin, thuốc kháng sinh, thuốc xịt mũi, thuốc chống viêm phù nề, bơm hơi vòi nhĩ,… Việc lựa chọn loại thuốc điều trị phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhi. Thời gian dùng thuốc có thể kéo dài trong 1 – 2 tuần.
- Nếu trẻ bị thủng màng nhĩ thì phải sử dụng thuốc nhỏ tai và làm sạch mủ, vệ sinh tai sạch sẽ với thuốc sát trùng và nước muối sinh lý để ngăn không để ống tai bị bít tắc.
Điều trị bằng phẫu thuật:
Nếu trẻ bị viêm tai giữa thể nặng, nhiễm trùng đang có xu hướng lan rộng và trẻ không đáp ứng các loại thuốc trên thì cần phải tiến hành phẫu thuật như: cắt amidan, nạo VA hay đặt ống thông khí. Điều này cũng cần dựa trên trạng thái bệnh cảnh của mỗi trẻ.
Những lưu ý khi chăm trẻ viêm tai giữa
Bên cạnh việc điều trị bằng can thiệp y tế, trong quá trình chăm sóc bé cha mẹ cũng cần phải ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Vệ sinh tai: nếu có dịch mủ chảy ra từ tai trẻ, cha mẹ hãy dùng tăm bông thấm chất dịch này nhẹ nhàng, không ngoáy quá sâu vào trong tai vì có thể khiến trẻ bị đau, tổn thương niêm mạc tai, thậm chí là thủng màng nhĩ của trẻ.
- Vệ sinh miệng lưỡi: nên lau miệng, rơ lưỡi cho trẻ sau khi bú hoặc sau khi ăn. Làm sạch xong phụ huynh hãy cho trẻ súc miệng lại với nước muối loãng.
- Vệ sinh mũi: viêm tai giữa sẽ thường đi cùng với tình trạng viêm mũi, cha mẹ nên vệ sinh cả mũi của trẻ với nước muối sinh lý.
- Chế độ ăn của trẻ: trẻ hay bị đau ở vùng tai mỗi khi nhai nuốt, do đó cha mẹ hãy cho trẻ ăn những món ăn được chế biến mềm, loãng, dễ nhai nuốt như súp, cháo, bánh mềm để giảm bớt cơn đau ở tai trẻ.