Bệnh OCD có tệ đi theo tuổi tác không?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một chứng rối loạn lo âu ảnh hưởng tới 2 – 3% dân số thế giới. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bắt đầu vào cuối thời thơ ấu hoặc đầu tuổi vị thành niên. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có trở nên tồi tệ hơn theo tuổi của người mắc bệnh hay không?
1. Triệu chứng
Những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế trải qua những suy nghĩ, hình ảnh hoặc xung động lặp đi lặp lại và dai dẳng, có tính xâm nhập và không mong muốn. Người ta ước tính rằng, có trên 6 triệu người ở Hoa Kỳ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Nam giới và phụ nữ phát triển rối loạn ám ảnh cưỡng chế với tỷ lệ tương đương và bệnh đã được quan sát thấy ở tất cả các nhóm tuổi, từ trẻ em trong độ tuổi đi học đến người lớn tuổi.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên nhưng cũng có thể xuất hiện ở tuổi trưởng thành hoặc thời thơ ấu. Sự khởi phát của rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường từ từ nhưng trong một số trường hợp, nó có thể bắt đầu một cách đột ngột. Các triệu chứng dao động về mức độ nghiêm trọng theo thời gian và sự biến động này có thể liên quan đến sự xuất hiện của những căng thẳng kéo dài. Bởi vì các triệu chứng thường xấu đi theo tuổi tác, mọi người có thể khó nhớ thời điểm mà nó bắt đầu nhưng đôi khi, họ có thể nhớ lại lần đầu tiên họ nhận thấy các triệu chứng đang làm gián đoạn cuộc sống của họ. Các triệu chứng điển hình của rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm:
- Nghi ngờ không có lý do hoặc khó chịu.
- Suy nghĩ về tác hại, ô nhiễm, tình dục, chủ đề tôn giáo hoặc sức khỏe.
- Các thói quen như tắm rửa sạch sẽ quá mức, kiểm tra, cầu nguyện, lặp lại các hoạt động thường ngày.
- Những suy nghĩ tiêu cực.
- Ngoài ra, bạn có thể nhận thức được một số tình huống, địa điểm hoặc đối tượng nhất định kích hoạt những suy nghĩ đau khổ. Bạn có thể thấy mình đang tránh những tình huống, địa điểm và đồ vật này.
2. Nguyên nhân
Để tìm ra lý do tại sao một số người phát triển chứng ám ảnh cưỡng chế trong khi những người khác thì không, các nhà nghiên cứu đã xem xét những giả thuyết khác nhau. Các chuyên gia đã gợi ý rằng một số “sai lầm nhất định trong suy nghĩ” về tác hại đã xảy ra đối với những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ví dụ về những sai lầm trong suy nghĩ như vậy là:
- Nghĩ về một hành động cũng giống như việc làm hoặc muốn làm nó.
- Mọi người nên kiểm soát suy nghĩ của mình.
- Nếu tôi không cố gắng ngăn chặn những tác hại của một việc làm nào đó, điều đó cũng không khác gì việc gây hại.
- Một người phải chịu trách nhiệm về việc gây hại, bất kể hoàn cảnh.
Lý thuyết này giải thích các loại sai lầm trong tư duy của những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhưng nó lại không giải thích được tại sao một số người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế còn những người khác thì không. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cảm thấy rằng, những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có hàm lượng các chất hóa học trong não bất thường liên quan đến serotonin, một chất hóa học quan trọng đối với hoạt động của não.
Nhiều người muốn biết nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này hoặc cách nó phát triển. Có một số phỏng đoán, nhưng vẫn chưa có những lời giải thích thỏa đáng về sự phát triển của OCD. Có thể sự kết hợp của các yếu tố (như khía cạnh sinh học/di truyền và môi trường) đã góp phần vào sự phát triển của rối loạn ám ảnh cưỡng chế. May mắn thay, bất chấp sự thiếu hiểu biết của chúng ta, vẫn có những phương pháp điều trị hiệu quả mà không cần phải giải thích lý do tại sao hoặc làm thế nào một người phát triển rối loạn ám ảnh cưỡng chế .
Các nhà khoa học hiểu rất rõ về các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và điều đó rất quan trọng đối với việc điều trị chứng rối loạn này. Trên thực tế, việc tìm hiểu thêm về các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ giúp chúng ta cải thiện nhiều hơn các phương pháp điều trị. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một tập hợp các thói quen, liên quan đến những suy nghĩ, ý tưởng, hình ảnh hoặc xung lực (ám ảnh) xâm nhập không mong muốn và gây khó chịu.
Cùng với những suy nghĩ này, người bệnh có cảm giác cực kỳ khó chịu hoặc lo lắng không mong muốn và buộc phải làm điều gì đó để giảm bớt sự lo lắng. Do đó, mọi người có thói quen sử dụng nhiều suy nghĩ hoặc hành động đặc biệt khác nhau để cố gắng thoát khỏi sự lo lắng (cưỡng chế). Những thói quen suy nghĩ, cảm nhận và hành động này cực kỳ khó chịu, lãng phí và khó có thể tự mình loại bỏ được.
3. Những loại liên kết trong OCD
Hai loại liên kết này là một phần rất quan trọng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và hiểu được chúng sẽ giúp ích cho liệu pháp điều trị của chúng ta. Việc trị liệu được thiết kế để phá vỡ cả hai loại liên kết.
- Loại đầu tiên là sự liên kết giữa các đối tượng cụ thể, suy nghĩ hoặc tình huống nhất định với sự lo lắng/khó chịu. Ví dụ, hãy nghĩ về một tình huống, suy nghĩ hoặc đối tượng mà bạn cố gắng trốn tránh hoặc bạn phải chịu đựng đau khổ vì chúng khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc không thoải mái. Như vậy, có khả năng là các tình huống như vậy có liên quan tới sự lo âu và phiền muộn trong bạn.
- Loại liên kết thứ hai là liên kết giữa việc thực hiện các thói quen (cưỡng chế) và giảm bớt sự đau khổ. Nói cách khác, sau khi thực hiện các thói quen đó, bạn tạm thời cảm thấy bớt đau khổ hơn. Do đó, bạn tiếp tục thực hiện hành vi này thường xuyên để đạt được sự nhẹ nhõm. Hãy cố gắng xác định các tình huống làm tăng cảm giác khó chịu (liên kết số đầu tiên) và sau đó là các hành vi hoặc suy nghĩ mà bạn thực hiện để hóa giải sự khó chịu đó (liên kết số 2). Làm điều này sẽ giúp tăng hiệu quả của những liệu pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
4. OCD và Tuổi tác
Đối với độ tuổi khởi phát cũng như việc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có trở nên nghiêm trọng hơn theo tuổi tác hay không, đã có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này và có những kết luận khác nhau:
- Tiến sĩ Jeff Szymanski cho rằng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, từ tuổi mẫu giáo đến tuổi trưởng thành. Mặc dù rối loạn ám ảnh cưỡng chế xảy ra ở các độ tuổi sớm hơn nhưng nhìn chung, có hai độ tuổi khi rối loạn ám ảnh cưỡng chế lần đầu tiên xuất hiện: Từ 10 đến 12 tuổi và từ cuối thanh thiếu niên đến đầu tuổi trưởng thành. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng không có dấu hiệu nghiêm trọng hơn theo tuổi.
- Tiến sĩ Jonathan Abramowitz lại cho rằng: Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bắt đầu từ 18 đến 25 tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Tôi đã gặp những đứa trẻ khoảng 6 hoặc 7 tuổi mắc bệnh. Nó ít có khả năng xuất hiện lần đầu tiên khi bạn đã lớn, ngoại trừ khi phụ nữ mang thai và sinh con, họ có nhiều nguy cơ phát triển các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hơn.
- Tiến sĩ Steven J. Brodsky: Tuổi khởi phát trung bình là 7 tuổi, có trường hợp còn là trẻ sơ sinh. Thường thì mọi người nghĩ rằng nó phát triển muộn hơn trong cuộc sống nhưng đó chỉ là khi các triệu chứng bên ngoài được xác định. Nhiều khi, mọi người nhầm tưởng chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế của họ đã biến mất một cách kỳ diệu trong nhiều năm và sau đó nó lại tái phát.
Trên thực tế, tất cả những gì họ nghĩ đã biến mất là hoàn cảnh, thói quen, bối cảnh và nguyên nhân gây ra chứng OCD của họ nhưng tất cả các triệu chứng sẽ quay trở lại khi hoàn cảnh thay đổi một lần nữa. Thông thường, điều này có thể xảy ra xung quanh những biến động của cuộc sống. Đôi khi, rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể kiểm soát được nhưng sau đó trở nên cấp tính do các vấn đề khác chẳng hạn như mang thai và sinh con.
- Tiến sĩ Charles H. Elliott và Laura L. Smith: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường xảy ra trong thời thơ ấu, tuy vậy, nó tương đối hiếm trước độ tuổi 4 hoặc 5. Mặc dù mọi người có thể phát triển các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế bất cứ lúc nào trong đời nhưng các triệu chứng thường xuất hiện ở tuổi thanh niên, nếu không phải từ thời thơ ấu.
- Tiến sĩ Kenneth Schwarz: Các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở tuổi trưởng thành sau này. Thời điểm khởi phát thông thường là ở tuổi vị thành niên và trẻ em trai có xu hướng khởi phát sớm hơn trẻ em gái. Đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên, các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế tương tự như những triệu chứng mà người lớn gặp phải.
- Tiến sĩ Charlotte M. Scott: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế không có nhận dạng độ tuổi; chấn thương và đau buồn nghiêm trọng có thể gây ra rối loạn ở mọi lứa tuổi. Mặc dù có vẻ như những nỗi sợ hãi, ám ảnh và cưỡng chế có thể được “học” bởi trẻ em và thanh thiếu niên trong gia đình của một người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nó thường tồn tại suốt cuộc đời mỗi người với những khoảng thời gian triệu chứng nhẹ xen lẫn những khoảng thời gian triệu chứng nghiêm trọng.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một tình trạng bệnh lý đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài việc tìm kiếm các liệu pháp điều trị, người bệnh cũng có thể tự giúp mình bằng nhiều cách như: Tập trung sự chú ý của mình vào những thứ khác ( như các bài tập thể dục) để trì hoãn sự thôi thúc thực hiện các hành vi cưỡng chế, viết ra những suy nghĩ hoặc lo lắng ám ảnh, dành một khoảng thời gian cố định để suy nghĩ về những lo lắng đó,… Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường đi theo chúng ta suốt đời, tuy nhiên, dường như chúng không có xu hướng trầm trọng theo tuổi tác mà trầm trọng theo những vấn đề xảy ra trong cuộc sống như mang thai, sinh con, thay đổi hoàn cảnh sống,…